Vương miện tài chính thế giới vẫn thuộc về London
Anh vẫn là nước xuất khẩu dịch vụ tài chính số 1 thế giới, theo các số liệu mới nhất từ báo chuyên ngành của Khu tài chính London hôm 16/12/2024.
Với một khoản thặng dư thương mại là 92,2 tỷ bảng, Vương quốc Anh vẫn bảo vệ được vị trí nhà xuất khẩu dịch vụ tài chính ròng lớn nhất thế giới, lớn hơn tổng sản lượng của Singapore, Thụy Sĩ và Luxembourg, theo phân tích mới của Tập đoàn Thành phố London.
Các dịch vụ này gồm có ngân hàng, tư vấn pháp lý, quản lý tài sản, tài chính xanh, công nghệ tài chính (fintech), quản lý rủ ro, trái phiếu, vốn mạo hiểm, tài trợ cơ sở hạ tầng, kế toán và tư vấn quản lý…
Các số liệu mới từ Cục Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho thấy xuất khẩu dịch vụ tài chính ròng của Vương quốc Anh đã tăng 11,3 tỷ bảng vào năm 2023 – tăng 14%.
Tăng trưởng chủ yếu đến từ việc xuất khẩu dịch vụ tài chính sang Hoa Kỳ, nơi đã ghi nhận mức tăng tuyệt đối lớn nhất tới một quốc gia (5,7 tỷ bảng).
Các con số này được công bố khi chính phủ Anh đang tham vấn cho chiến lược dịch vụ tài chính mới.
The City of London Corporation, tập đoàn gồm các đại công ty, ngân hàng trong Khu tài chính ở London đã kêu gọi chính phủ đảm bảo rằng chiến lược ưu tiên thương mại dịch vụ, duy trì lợi thế là thị trường mở và có sức vươn ra toàn cầu của Vương quốc Anh.
Trong năm 2023, xuất khẩu dịch vụ tài chính của Vương quốc Anh đã tăng trưởng trong 4 năm liên tiếp, đạt mức cao kỷ lục mới 120,3 tỷ bảng.
Sự gia tăng này là 16,8 tỷ bảng (16%), được thúc đẩy bởi cả hoạt động dịch vụ tài chính (+11,1 tỷ bảng) và hoạt động bảo hiểm (+5,8 tỷ bảng).
Không tệ sau Brexit
Đã có lo ngại rằng quá trình Brexit đưa Anh ra khỏi Liên hiệp châu Âu sẽ làm giảm vai trò của Anh như nước cung cấp dịch vụ tài chính chính cho khối này, gồm cả các thương vụ bằng đồng euro.
Theo trang chuyên ngành Knight Frank (05/2024), Paris từng được người Pháp kỳ vọng sẽ “cướp vương miện của London” trong dịch vụ tài chính ở châu Âu hậu Brexit.
Thế nhưng số liệu của Bloomberg về năm 2023 cho thấy London đã giành được 81 dự án làm ăn lớn trong ngành tài chính quốc tế, gấp đôi con số của Paris.
Frankfurt, thủ đô tài chính của Đức và là nơi đặt trụ sở của Ngân hàng Trung ương châu Âu, hóa ra cũng không vươn lên được tới mức đe dọa vị thế của London.
Một trong các lý do là đối tác Mỹ, vùng Vịnh và Đông Á vẫn ưa chuộng London vì ngôn ngữ tiếng Anh và độ kết nối tài chính toàn cầu của thành phố.
Tới năm nay, sau khi Brexit chính thức đi vào thực tế từ 2020, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho dịch vụ tài chính của Vương quốc Anh, với xuất khẩu đạt 39,8 tỷ bảng vào năm 2023. Con số này chiếm 33% tổng xuất khẩu dịch vụ tài chính của Vương quốc Anh ra toàn thế giới.
Cũng nước Mỹ đã vượt EU trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất cho dịch vụ tài chính của Vương quốc Anh từ năm 2021 trở đi.
Thế nhưng, xuất khẩu sang EU vẫn tiếp tục tăng. Ví dụ trong năm 2023, xuất khẩu dịch vụ tài chính của Anh sang EU đã tăng 7,4 tỷ bảng so với năm trước (tương đương 25%).
- Năm 2023, 5 thị trường hàng đầu cho xuất khẩu dịch vụ tài chính của Vương quốc Anh là Hoa Kỳ (39,8 tỷ bảng), Đức (6,5 tỷ bảng), Ireland (6,5 tỷ bảng), Luxembourg (6,3 tỷ bảng) và Pháp (5,2 tỷ bảng).
- Trong quan hệ với các nền kinh tế mới nổi, nhu cầu nhận dịch vụ tài chính của Vương quốc Anh cũng tăng nhanh chóng. Ví dụ xuất khẩu sang Brazil năm 2023 đã tăng 80% so với 2022. Xuất khẩu sang Ấn Độ tăng 40%.
Bất chấp các căng thẳng địa chính trị, và dù các dịch vụ tài chính của Anh sang Trung Quốc chỉ tăng thêm 8% so với năm ngoái, so với 2022, đây vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất trong các nền kinh tế mới nổi, với giá trị 1,9 tỷ bảng trong năm 2023.