ÔNG GIÀ NOËL

ÔNG GIÀ NOËL

Giáng sinh năm ấy thật buồn. Đó là Giáng sinh đầu tiên vắng cha. Không khí thật ảm đạm, thê lương. Mẹ cũng đặt trong phòng khách, bên cạnh lò sưởi một cây thông. Không quà, không bánh. Mẹ ngồi thừ người, thỉnh thỏang Chương thấy trên khuôn mặt mẹ những vết hằn của khổ đau và nước mắt. Thương mẹ quá. Chương đã ngồi cặm cụi viết cho Ông già Noel một bức thư thật dài đẫm nước mắt. Không giống như những năm trước, Chương chẳng xin bất cứ điều gì ngòai việc xin ông hãy mang cha về với mẹ con Chương, sống lại những ngày đầm ấm như xưa. Chương trân trọng đặt bức thư của mình cùng với một ly sữa và một đĩa bánh nhỏ bên cạnh cây thông gần lò sưởi.

Chương ngồi bó gối đợi ông đến. Mười giờ…, mười một giờ…, rồi mười hai giờ…Mẹ dục giã bảo Chương đi ngủ, nhưng Chương vẫn cứ chờ. Chờ để nói với ông rằng, Chương nhớ Cha và muốn Cha chính là món quà giáng sinh ông ban trong năm ấy…

Mãi đến gần hai giờ sáng Chương mới thiếp đi bên cạnh lò sưởi. Sáng ra, bánh, sữa còn nguyên. Lá thư vẫn nằm thản nhiên bên cạnh. Hiển nhiên, ông già Noel đã chưa từng ghé trong đêm qua.

Không có một bút mực nào kể cho hết được nỗi thất vọng của một cậu bé sáu tuổi lúc ấy. Sự thất vọng tột cùng làm dấy lên một nỗi bi ai, thống thiết. Nó có cảm tưởng ông già Noel đã bỏ rơi mẹ con nó – như Cha đã làm năm xưa – bỏ rơi những người khốn khổ cần giúp đỡ, những người đã đặt trọn vẹn lòng tin về một một người….

Những giáng sinh năm sau, Chương không còn viết thư xin xỏ gì ở ông già Noel cả. Mà mỉa mai thay, nó biết ra một sự thật rất tàn nhẫn. Ông già Noel không hiện hữu, chỉ là một hình ảnh không thực có. Nó cảm tưởng mình bị lừa dối và đâm ra chán ghét, nó không tin tưởng gì ở tình thương, tình nhân ái. Tâm hồn càng ngày càng cằn cỗi, khô khan.

Hai năm sau, mẹ bước thêm bước nữa. Dượng Nhân là người đàn ông nhỏ hơn mẹ hai tuổi. Tính tình tốt nhưng nóng nảy, nhất là trong lúc say, dượng hay chửi mắng, đánh đập mẹ con Chương. Một năm sau, em Nhè ra đời. Mẹ càng ngày càng bận hơn vì cơm áo, vì chồng, con, Chương gần như bị đẩy ra bên lề của cuộc sống. Nếu không có nhiệm vụ giúp mẹ trông em, rửa bát, giặt giũ và làm những việc lặt vặt trong nhà, chắc có lẽ Chương hòan tòan bị lãng quên trong căn nhà đầy ồn ào tiếng động ấy.

Từ khi có em Nhè, tất cả mọi tình thương của Mẹ và dượng đều dồn cho em. Dượng không thích nghe em khóc, nên cứ mỗi lần Chương trông em mà để em phải khóc là dượng đánh Chương rất đau, lấy cớ rằng, không để ý đến em, không trông em để em phải khóc. Còn mẹ thì quá bận bịu với công việc buôn bán, mẹ đi suốt ngày, tối về chỉ kịp làm cơm ăn qua loa, chơi với em Nhè một lúc rồi đi ngủ. Những lúc có mẹ ở nhà, khi em Nhè dành đồ chơi với Chương hoặc không bằng lòng điều gì, nó khóc toáng lên, dẫm chân bành bạch rồi lăn ra ăn vạ.

Cả trăm lần như một, Mẹ lại bảo (câu nói mà Chương đã nghe thuộc lòng) “Em còn bé, con nhường em đi!” Lúc đó, Chương lại phải nuốt cái cục uất ức xuống bụng để nhường em, ngay cả những chuyện rất vô lý và oan ức, đôi khi còn phải cõng em, dỗ dành cho em khỏi khóc. Cả Mẹ lẫn Dượng đều ưu đãi em Nhè, chẳng ai để ý đến những cảm xúc và hiểu được nỗi cô đơn, buồn khổ của Chương, của một đứa trẻ mười một tuổi, vẫn đang rất cần nhiều sự chăm sóc và yêu thương.

Chương không có tuổi thơ. Ở lứa tuổi rất nhỏ nó đã nhận thức được rằng mình phải học cho giỏi, phải thành công để ngẩng mặt với đời, để thóat cảnh đánh đập vô cớ của một người dượng trẻ mà người mẹ vì đời sống sinh nhai của gia đình đã không còn có thì giờ để mắt đến Chương nữa. Ở lứa tuổi rất sớm, nó đã mong muốn một sự thóat ly. Tâm hồn nó càng ngày càng cằn cỗi, nứt nẻ vì thiếu giọt nước thương yêu tưới tẩm. Từ bao giờ chẳng biết, nó đã không còn có thể khóc nữa…

***

Nhiều năm sau, chàng trở thành một thương gia giàu có, thành công trên mọi mặt, nhưng tâm thức vẫn khô cằn, phổ thành một nhân dáng ít nói và lạnh lùng. Chàng chán ghét những cảnh họp mặt đông đảo, tránh nghe những lời nói yêu thương mà chàng cho rằng giả dối. Chàng đâm nghi ngờ tất cả, không còn tin trên đời này lại có tình nhân ái, lòng yêu thương. Đó chỉ là những “sản phẩm” được tạo dựng bởi những con buôn, nhân cơ hội để làm giầu, như hình ảnh ông già Noel ở tuổi thơ chàng. Tâm hồn chàng ngày càng cằn cỗi, nứt nẻ, nên không bao giờ có cơ hội nếm được vị ngọt của tình yêu và được yêu, Chàng chưa từng yêu ai, chưa từng mở rộng lòng mình để đón nhận những tình cảm mầu nhiệm ấy.

Vài năm sau, chàng cưới vợ. Một cô người mẫu xinh đẹp và nổi tiếng. Họ lấy nhau như một dịch vụ cần thiết. Chàng coi nàng như một món đồ đắt giá, cưới nàng vì có một cảm giác tự kiêu là mình đã chiếm hữu được một đóa hoa đẹp nhất. Điều kiện của chàng là nàng chỉ cần xuất hiện trong những bữa tiệc thương mại cần thiết. Nàng phải học ăn, học nói, học cách đi đứng của giới thượng lưu. Nàng phải mặc những gì chàng cho là lịch lãm, phải xức loại nước hoa nào chàng thích. Ngược lại nàng bằng lòng lấy chàng chỉ vì chàng có tiền, chàng có thể đem lại cho nàng một đời sống vật chất vương giả nàng cần. Ngoài ra, nàng còn đòi hỏi chàng phải nhường lại một số cổ phần cộng thêm một số tiền cấp dưỡng hàng tháng. Đối với nàng, nghe ra “dịch vụ” hôn nhân này quả là rất hời, vì những điều kiện chàng đưa ra thật là dễ dàng, đơn giản. Nhưng dần dần, nàng cảm thấy càng ngày mình càng bị tùng túng, ngột ngạt, tựa như một người phải khoác lên mình một cái mặt nạ, một “con người khác” không phải là mình. Nàng không làm được những gì mình thích, không ăn những món ăn nàng muốn, không mặc những kiểu mẫu mà chàng cho là “nhà quê, rẻ tiền”. Nàng có cảm tưởng mình dần dần đánh mất chính mình.

Điều đau khổ hơn cả là tâm hồn nàng bị tổn thương đến tận cùng khi thấy chàng đối xử với nàng chẳng hơn gì một món đồ chỉ để trưng bày cho đẹp mắt… Không thể sống lâu được với những cảm xúc khổ đau ấy, vài năm sau, cả chàng và nàng đều cảm thấy tẻ nhạt. Chàng không còn thấy thích mới món “đồ chơi” của mình nữa. Còn nàng thì không thể chịu đựng được cách đối xử của chàng làm tâm hồn nàng bị tổn thương tới tột cùng. Họ ly dị. Nàng được chia một phần gia sản đủ để làm cho lòng tham của mình được thỏa mãn. Chàng trở lại đời sống khô cằn như xưa….

Giáng sinh năm ấy. Trong một chuyến làm ăn xa. Người thương gia lang thang đi những bước chân vô định về một miền quê hẻo lánh. Ông không biết mình sinh ra đời để làm gì. Nhìn lại suốt quãng đời từ tuổi thơ tới giờ, ông hòan tòan không có được một niềm vui nhỏ bé nào. Tâm hồn thê lương, tan tác, thêm vào cảnh buồn bã của buổi chiều tàn làm ông ngơ ngác. Nhìn bầu trời với những đám mây đen kịt sẵn sàng đổ xuống một cơn mưa, ông cũng chưa muốn trở về khách sạn. Thay vì đi ngược trở về, ông lại bước những bước tần ngần về hướng trước mặt. Ông nghe những giọt mưa đã bắt đầu nhỏ xuống, nhanh dần, rồi sầm sập như có người rượt đuổi sau lưng.

Xa xa, nhìn thấy một ngôi chùa nhỏ. Ông xoải chân ghé tạm chú mưa bên hiên chùa. Tiếng mưa sầm sập đổ, ồn ào vẫn không át được tiếng tụng kinh trầm trầm trong chánh điện. Ông nghiêng tâm lắng nghe. Lạ lùng chưa. Chẳng hiểu vị sư nào tụng bằng một ngôn ngữ gì mà ông hòan tòan không hiểu. Có lẽ, đó là một bài chú nào đó. Âm thanh khi trầm, khi bổng đánh mạnh vào tâm hồn cằn cỗi ông những giọt nước từ bi. Ông bàng hòang, cảm động tới độ bật khóc. Tựa như người vừa trổi dậy từ một cơn mơ dài, ông có cảm tưởng tâm hồn mình chưa từng bao giờ khép kín, chưa từng bao giờ cằn cỗi thiếu bóng tình thương. Nó vẫn muôn đời mở rộng mà ông không biết. Duy chỉ một điều là ông đã chưa từng đưa tay nắm bắt những bàn tay khác đã từng đưa ra muốn nắm bắt với ông. Ông chưa từng biết mỉm cười, từ những nụ cười đã từng thoáng qua trong đời mà ông đã để vuột mất. Nay, âm thanh câu chú như những giọt nước cam lồ tưới tẩm lên trái tim ông mềm mại, thổn thức. Ông khóc say sưa, nước mắt hòa với nước mưa làm cho ông thấy môi mình mằn mặn. Càng khóc, ông càng cảm thấy nhẹ nhõm và một niềm vui vô bờ nhóm lên như những cánh hoa nhỏ.

Cơn mưa dứt từ lâu. Ông cũng ngừng khóc lúc nào không biết. Tiếng tụng kinh cũng đã chấm dứt. Nhưng ông thấy mình vẫn đứng co ro bên mái hiên chùa. Giọng nói trầm trầm của vị sư già từ trong chánh điện vọng ra:

– Sao không vào lễ Phật mà vẫn còn đứng mãi ở đấy?

Như một mệnh lệnh bắt buộc phải tuân thủ. Ông lật đật khe khẽ đẩy cánh cửa bước vào. Vị sư già đang ngồi quay lưng về phía cửa chính, đối diện là một bức tranh Phật bằng vải đã ngả mầu. Ông phủ phục xuống chân vị sư già và lại bắt đầu khóc. Ông khóc vì cảm động, chẳng hiểu sự cảm động ấy từ đâu ra mà như nước vỡ bờ làm ông không thể cưỡng nổi.

Bàn tay vị sư đặt lên đầu ông. Ấm áp đầy yêu thương:
– Ta đã đợi con từ bao lâu nay sao mãi bây giờ mới đến?

Ngẩng lên, nhìn khuôn mặt vị sư khắc khổ, nhưng lại thấp thóang có nhiều nét thân quen với đôi mắt đầy từ bi. Ông ấp úng:
– Thày… thày… nói gì con không hiểu?

Vị sư mỉm cười
– Có những việc mà ta không cần phải hiểu. Chỉ cảm nhận là đủ rồi.
Với giọng cảm động đầy nước mắt, ông xụp xuống:
– Xin thày quy y cho con.

Lể quy y xảy ra rất đơn giản, yên lặng. Nhưng trong ông cả một sự thay đổi lớn. Ông bàng hòang ngạc nhiên nhận ra một điều rất hiển nhiên. Ông chưa từng bao giờ bị bỏ rơi, cô đơn và thiếu thốn tình yêu, tâm hồn ông luôn hồn nhiên rộng mở, chỉ có điều ông không nhận ra được thế nào là Hạnh Phúc mà thôi.

Giáng sinh năm ấy, nhà tỷ phú phát tâm phát chẩn cho những trẻ em nghèo khó, thiếu thốn và cô đơn. Ông xúng xính trong bộ đồ cải trang thành một ông già Noel với chòm râu trắng phau như tuyết. Ông ngồi trên một chiếc ghế màu đỏ thẫm, với khuôn mặt rạng rỡ của một người sẵn sàng cho đi tất cả. Ông mở rộng vòng tay đón chào tất cả các trẻ em đến với ông. Có những đứa bé quần áo lam lũ, lếch thếch, nhưng chúng đến bằng những tấm lòng chân thật, trẻ thơ. Chúng quàng lấy cổ ông, hôn ông và còn thầm thì với ông những ước mơ và những điều bí mật nhất của chúng. Ông cảm thấy ngạc nhiên và vui mừng hết sức.

Tại sao Hạnh Phúc đến thật dễ dàng mà cả đời ông cứ phải loay hoay tìm kiếm? Tại sao ông chỉ cần đưa tay là ông được sự nắm bắt? Tại sao ông cho với một lòng nhiệt thành thì ông được trả lại bằng niềm vui bất tận tới vậy? Ôi. Ông đã phung phí biết bao nhiêu thời gian để chỉ nhận ra được một giá trị duy nhất trong đời: “Hãy thương yêu, tất sẽ được yêu thương”

Tối hôm ấy. Trên con đường về nhà với đôi chân tê cứng, đau nhức vì không biết bao nhiêu trẻ con đã ngồi trên ấy. Nhưng niềm vui đã làm ông không còn cảm thấy mết mỏi và đau nhức nữa. Ông yên lặng, nghe lòng mình dâng trào lên một niềm an lạc vô bờ. Ông nhẹ nhàng khép đôi mắt, nghe tiếng nhạc giáng sinh rộn rã như tiếng vỡ của thủy tinh, rơi rớt trên thinh không phủ xuống trần thế như một đám bụi vàng…

Truyện ngắn của Chiêu Hoàng đã đăng trên VietVanMoi.fr

editors

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *