Vương triều Anh qua các thời kỳ và cách nhìn lịch sử

Lý Thanh biên soạn:
Chính sử ở Anh coi chế độ phong kiến (feudalism) bắt đầu bằng cuộc đổ bộ của Công tước William – Người Chinh phục – từ bờ biển Normandy sang Hastings năm 1066.
Đánh thắng lực lượng của vua Harold người gốc Viking, William đưa quân về chiếm London và xưng là vua xứ Anh (King of England).
Vua William vẫn giữ nhiều mảnh đất ở Pháp (Anjou, Bretagne, Calais) và chia các vùng đất chiếm được ở xứ Anh (England) cho quý tộc, hiệp sĩ theo ông từ Pháp sang. Các dòng quý tộc gốc Anglo-Saxon hoặc chịu khuất phục hoặc bị xóa sổ.
Gọi là chế độ phong kiến (feudalism) là vì quyền lực và đất đai trên toàn cõi được vị quân chủ (vua hoặc nữ vương) chia cho các nam tước, bá tước tuân phục họ.
Các mảnh đất “phân phong” có thể bị nhà vua thu lại nếu nhà quý tộc làm phản. Dòng họ bị xóa và đất có thể được thưởng cho người khác cùng tước quý tộc.
Nông dân Anh không có quyền gì ngoài thân phận làm thuê và nộp tô cho quý tộc hoặc các dòng tu giàu có.
Ở vùng biên địa, các vị giám mục (bishop) thường là tướng quân và đại quý tộc, như bá tước Durham, có nhiệm vụ bảo vệ Giáo hội và đất Anh chống lại người Scots.
Rừng và biển thuộc về Vương triều (monarchy) và dân bị cấm săn bắn. Đến nay, các chim thú hoang ở Anh trên nguyên tắc vẫn thuộc về vua Charles III như thời thế kỷ 11 thuộc về vua William.
Sự hòa trộn nhiều nền văn hóa
Có thể nói chế độ phong kiến Anh…đến từ Pháp và xóa dần quyền lực của cư dân bản địa gốc Bắc Âu, Anglo-Saxon và Celtic. Nhưng văn hóa và ngôn ngữ thì lại là sự hòa trộn của các sắc dân này với nhau.
Phải sau vài trăm năm, tiếng Anh Trung đại (Middle English) mới ra đời nhờ sự hòa trộn tiếng Pháp của triều đình, tiếng Anh cổ của người bình dân Anglo-Saxon, và khá nhiều danh từ địa phương của người Viking và Celts để lại, như các tên sông ngòi, núi non.
Vương triều Anh gốc Normandy dùng tiếng Pháp trong vòng hơn 300 năm sau đó và vẫn coi Pháp là quê hương gốc. Vua William khi chết đã được đưa về tu viện Thánh Etienne ở Abbaye-aux-Hommes, Caen, vùng bờ biển Normandy của Pháp để mai táng.
Truyền thống duy trì đất cũ ở Pháp khiến vua Charles ngày nay vẫn giữ chức Công tước các đảo gần bờ biển Pháp – Duke of Normandy in the Channel Islands, gồm Guernsey, Alderney, Sark và Herm, thuộc Hoàng gia Anh (English Crown) tuy chỉ về hình thức.
Vậy trước thời William I thì Anh có vua hay không?
Lịch sử các dòng vua chúa Anh tuy thế không bắt đầu từ 1066 mà có từ trước nữa, khi các tộc người nói tiếng Germanic (tiền thân của tiếng Đức, Hà Lan và Anh cổ) đến đảo Anh từ các xứ miền Bắc châu Âu.
Được gọi chung là người Anglo-Saxon, họ sang đảo Anh từ thế kỷ 5, sau khi Anh, với tư cách là tỉnh Britannia thuộc Đế chế La Mã tan rã, và người La Mã rút đi.
Nhưng các vua Anglo-Saxon thực chất chỉ là những thủ lĩnh bộ lạc và điều hành xã hội bằng gươm đạo, không có triều đình, luật lệ chặt chẽ như chế độ phong kiến sau này.
Người được ghi nhận là “vĩ đại nhất” có ‘Alfred the Great’ làm vua của người Saxon phía Tây từ 871 đến 899. Ở phía Bắc, Scotland là vương quốc khác, nên không được tính vào lịch sử Anh cho tới mãi sau này. Còn các vùng phía Bắc và Đông Bắc xứ Anh thì là nơi quân Viking tập kích để cướp bóc, và nếu tiện thì ở lại lập ra các đồn trại, dần dà thành pháo đài, trung tâm quyền lực.
Trên thực tế, nhiều hạt (county) cổ xưa ở Anh hiện nay đều từng có danh xưng là “vương quốc” (kingdom), như Kent, Sussex, Wessex, Yorkshire…và do các tộc người Anglo-Saxon, Celtic hoặc Bắc Âu (chủ yếu là Đan Mạch-Danes) chiếm giữ.
Ví dụ hạt Yorkshire là lấy theo tên vua Jorvik đến từ Đan Mạch chiếm vùng đất đó năm 866.
Là giống người thiện chiến, quân Đan Mạch đã lấn xuống sát vùng London ngày nay và trong gần 200 năm, một dải lãnh thổ chạy từ phía Bắc London và Stansted lên tới Yorkshire (ngày nay) là đất Danelaw, nơi áp dụng tục lệ của Đan Mạch pha trộn với phong tục của người Anglo-Saxon.
Ở phía Tây, các tộc Celtic vẫn làm chủ xứ Wales, Cornwall cho tới sau thời William I.

Edward người chinh phục thứ nhì
Các vua Anh gốc Pháp liên tục chinh phạt phía Tây và đến năm 1277 thì vua Edward I chiếm gần hết Wales, thiết lập chế độ quân quản tàn bạo và tiêu diệt các quý tộc địa phương.
Cũng Edward I có tiếng là “chiếc búa đập nát Scotland” (The Hammer of the Scots) vì các chiến dịch chinh phục Scotland, hoàn tất vào năm 1292.
Tuy thế, nhờ sự thống nhất gần như toàn bộ đảo Britain, xứ Anh từ thời vua Edward I bắt đầu lớn mạnh thành vương quốc có tiếng nói đáng kể trong chính trị châu Âu để các đời sau vươn ra biển.
Thời kì Tudor (1485 – 1603)
Thời kỳ này bắt đầu với vua Henry VII, người gốc Wales, và kết thúc với Nữ hoàng Elizabeth I. Tudor là tên/họ tiếng Welsh của Theodor hay ‘nhà vua’ (Tewdwr). Đây là thời kỳ phát triển văn hóa nghệ thuật, và cải cách tôn giáo của Anh khi vua Henry VIII bỏ Công giáo La Mã theo Tin Lành.
Khu bảo tàng Hải quân hiện nay ở Greenwich còn nhiều dấu tích của các hoạt động mà vua Henry III khởi xướng cho các chiến dịch hàng hải của Anh.
Dưới thời Elizabeth I, còn gọi là Nữ hoàng Trinh nữ vì bà không lấy chồng, Anh cử các đội tàu sang khám phá Tân Thế giới, lập ra thuộc địa Virginia (Trinh nữ) ở mảnh đất nay là nước Mỹ.
Về nội trị, Elizabeth I cho chặt đầu em họ, Mary – Nữ hoàng của người Scotland (Mary, Queen of Scots) ngày 8/02/1587.
Đây là vụ hành hình nổi tiếng trong lịch sử mà từ nhãn quan của Nữ hoàng Elizabeth I là để trừ hậu họa bởi Mary là niềm hy vọng cuối cùng của người Scotland theo Công giáo Lã Mã, có thể phục hồi vương triều theo La Mã ở Scotland.
Kể từ đó, England hoàn toàn do Anh giáo làm chủ và vị quân vương cũng nắm luôn vị trí người đứng đầu Giáo hội.
Thời kỳ Stuart (1603 – 1714)
Thời kỳ bắt đầu với vua James I và kết thúc với nữ hoàng Anne. Đây là thời kỳ người Scotland tiếp tục các cuộc đấu tranh mang tính cách mạng dân tộc. Tại Anh, hỗn loạn nổ ra trong Nội chiến Anh lần I (1642-1651) giữa phe Bảo hoàng và phái Nghị viện.
Lịch sử Anh cũng có giai đoạn Tam Quốc tranh giành quyền bính giữa England, Scotland và Ireland.
Chiến tranh sinh ra nhân vật tài giỏi và tàn bạo là Oliver Cromwell (1599-1658), người cầm quân Anh đánh bại phe khởi nghĩa ở Ireland và Scotland, lập ra Commonwealth. Ông xưng là Chúa tể Hộ quốc – Lord Protector, tạm thời xóa chế độ phong kiến ở Anh trong một số năm.
Sau khi các vua dòng Stuart (gốc Scotland) giành lại ngai vàng ở London, họ cho đào mả Cromwell đem hài cốt ra ‘treo cổ” và “chặt đầu”.
Nhưng ngày nay, Nghị viện Anh vẫn có bức tượng Cromwell cưỡi ngựa dưới tường Điện Westminster, bằng chứng cho thấy tinh thần tự chủ của nghị viện đối với Hoàng gia, dù hai bên nay đã “cùng chung sống”.
Thời kỳ Hanover (1714 – 1901)
Thời kỳ này bắt đầu với vua George I (1683-1760) gốc từ một dòng đại quý tộc ở Hanover, Đức sang Anh nhận làm vua, và kết thúc với Nữ hoàng Victoria. Đây là thời kỳ Anh công nghiệp hóa mạnh mẽ và thúc đẩy thương mại quốc tế, xâm chiếm thuộc địa khắp nơi.
Năm 1707 xảy ra sự kiện trọng đại về hiến pháp: nghị viện hai xứ England và Scotland hợp nhất, thông qua các luật liên minh – Acts of the Union- lập ra một Vương quốc chung.
Ngai vàng Scotland trên nguyên tắc trước đó bị vua James I ghép vào ngai vàng ở Anh, đặt tại London. Sự hợp nhất này đem lại sức mạnh cho Đế chế Anh với các chiến binh Scotland thay vì chống lại người Anh thì vác gươm đi chinh phục các miền đất xa xôi cho đế chế.
Tuy thế, hệ thống quý tộc, tôn giáo và luật và giáo dục của Scotland vẫn được bảo lưu riêng biệt đến ngày nay. Tiếng Anh ở Scotland cũng theo quy chuẩn riêng và dấu giọng hơi khác ở Anh, gọi là Scottish Standard English. Phương ngữ Gaellic và Scots được luật bảo tồn.
Nữ hoàng Victoria còn có tước hiệu Nữ đại đế (Empress) của Ấn Độ, đánh dấu thời kỳ Anh làm chủ tiểu lục địa ở Nam Á. Câu nói “Mặt trời không bao giờ lặn trên đất Anh” xuất hiện thời kỳ này.
Thời kỳ Windsor (1901 – hiện tại)

Bắt đầu với vua Edward VII và hiện tại là vua Charles III. Trên thực tế, Edward VII cũng là con cháu dòng Hanover từ Đức nhưng vì tinh thần bài Đức trước Thế chiến I, Hoàng gia đã bỏ họ Saxe-Coburg-Gotha (lấy theo đất phong của cha ông họ bên Đức), và chọn họ theo tên lâu đài Windsor ở phía Tây Nam thủ đô London.
Đây được xem như thời kỳ của sự phát triển khoa học và công nghệ. Cũng như có sự thay đổi của vai trò Hoàng gia Anh trong xã hội và chính trị. Từ Nữ hoàng Elizabeth II (trị vì từ 1953 đến 2022), Hoàng gia nỗ lực hiện đại hóa hình ảnh, ngôn ngữ của mình và cũng bỏ bớt các vị trí cho người của Hoàng tộc làm việc ở các cung điện chính gồm Buckingham, Windsor và Kensington.
Hoàng gia Anh đã trải qua nhiều thăng trầm trong lịch sử, từ thời kỳ đế quốc đến thời hiện đại. Cho đến hiện tại, Hoàng gia Anh vẫn đóng vai trò biểu tượng rất quan trọng, lưu giữ sợi dây vô hình kết nối quá khứ từ thế kỷ 11 với hiện tại và tương lai, đồng thời đại diện cho các xứ ở trong Vương quốc Liên hiệp Anh.
Ngày nay, người nhập tịch Anh không tuyên thệ trung thành với chính phủ mà với vua Charles III, vì trên danh nghĩa, công dân Anh vẫn là thần dân của Vua.
Trẻ em Anh được học về Hoàng gia thế nào?
Cuối cùng, điều cần chia sẻ với các bạn Việt Nam có con học ở trường tại Anh là sự đặc biệt trong cách nước Anh dạy sử cho trẻ em.
Họ coi trẻ em có trí tuệ và sự hiểu biết nên không viết sử kiểu cổ tích, hoặc chỉ tô hồng Hoàng gia hay các vua chúa đời xưa hoặc bôi đen người này người kia mà khá công bằng trong đánh giá.
Tức là công trạng lẫn sự tàn bạo của vua chúa, nữ hoàng ngày xưa được kể ra hết và phố vẫn mang tên họ, bảo tàng vẫn treo chân dung họ.
Ví dụ điển hình là trẻ em Anh học ở mẫu giáo câu đồng dao “khét tiếng” về vua Henry VIII và những hoàng hậu của ông ta (Nursery rhyme about Henry VIIIs’ wives): “Divorced, Beheaded, Died, Divorced, Beheaded, Survived‘ (Họ lần lượt bị ly hôn, chết, ly hôn, bị chặt đầu, có người sống sót).
Cùng lúc, bảo tàng Greenwich có nhiều phần trưng bày về công phát triển hải quân của ông vua này.
Văn hóa Anh vừa chịu ảnh hưởng của Ki tô giáo với nhiều tranh ảnh, phù điêu ca ngợi sự hy sinh, khắc kỷ, vừa du nhập cả mỹ học Hy Lạp với các hình tượng nữ thần khỏa thân, tượng trưng cho vẻ đẹp thuần khiết, gần thiên nhiên.
Hai tác phẩm ở dưới đều cùng được trưng bày ở Bảo tàng Albert và Victoria, lấy theo tên của Nữ hoàng Victoria và chồng bà, Hoàng thân Albert người xứ Bavaria, Đức.
2 bình luận trong “Vương triều Anh qua các thời kỳ và cách nhìn lịch sử”