Nguyễn Giang thuyết trình ở Warsaw về di dân và giáo dục đa ngữ tại Anh

Nguyễn Giang thuyết trình ở Warsaw về di dân và giáo dục đa ngữ tại Anh

Ngày 12/04/2025 tại Nhà Văn hóa Việt Nam-Ba Lan ở phố Podborska 6, Warsaw đã diễn ra buổi thuyết trình nhỏ của học giả, nhà báo Nguyễn Giang đến từ Anh quốc dành cho cộng đồng người Việt ở Ba Lan.

Là thành viên Ban Biên tập Viet News UK, anh Nguyễn Giang, cựu sinh viên ĐH Tổng hợp Warsaw được báo Quê Việt tại Ba Lan mời thăm nơi anh từng học và làm việc (1990-1999) để trình bày hai chủ đề “Di dân tại Anh-EU”, và “Giáo dục đa ngữ ở Anh”.

Chủ đề đầu tiên thu hút sự chú ý của một số bạn đọc báo Quê Việt ở Ba Lan vì như anh Lê Xuân Lâm, chủ nhiệm tờ báo cho biết, “có khá nhiều người Việt tại Ba Lan hiện có con em, thân nhân sang Anh sinh sống, làm việc, thậm chí định cư”.

Diễn giả Nguyễn Giang, người sống ở Anh từ cuối 1999 đến nay chia sẻ quan sát của anh về vấn đề nhập cư từ EU vào Anh nói chung từ trước Brexit, và từ sau khi hiệp định Brexit có hiệu lực 5 năm trước (31/01/2020), đưa Anh tách ra khỏi Liên minh châu Âu.

Xu hướng thiên hữu trên truyền thông Anh, Đức, Pháp và nhiều nước châu Âu cùng các chính sách mới của Anh về người nhập cư, cũng như câu hỏi về thị trường lao động có liên quan đến người Việt từ Việt Nam và từ EU sang Anh đã được trình bày, và hỏi đáp cụ thể.

Dạy và học tiếng Việt ở Anh và châu Âu

Nhưng phần trao đổi sôi động hơn cả đến từ chủ đề hai của buổi thuyết trình, điều mà như các khách mời tham dự đều thừa nhận, là nhu cầu cấp thiết và liên tục cho việc học, dạy và nâng cao tiếng Việt cho con em của họ trong cộng đồng Việt Nam tại Ba Lan.

Chia sẻ điều này, học giả Nguyễn Giang giới thiệu điều anh gọi là “bất cập” và “mất cân bằng” giữa chương trình dạy ngôn ngữ tại Anh và nhu cầu của các cộng đồng di dân.

Anh tự định nghĩa hệ thống giáo dục của họ là “đa ngôn ngữ” nhưng đầu tư của chính phủ chủ yếu bỏ vào việc dạy, bảo tồn các ngôn ngữ bản địa của đảo Anh như Welsh, Cornish, Irish và các phương ngữ ở Scotland.

Cùng lúc, việc dạy ngoại ngữ ở trường phổ thông và các bậc đại học, theo các thống kê mới nhất, vẫn tập trung vào những ngôn ngữ láng giềng châu Âu như Pháp, Đức, Tây Ban Nha.

Chỉ các trường grammar hoặc trường tư mới có kinh  phí tổ chức dạy Trung văn và tiếng Nhật.

Tiếng của các cộng đồng châu Á khác như Hindi, Punjabi, Hoa ngữ Quảng Đông, tiếng Việt…chủ yếu do các hội đoàn di dân tự tổ chức.

Các tiếng châu Âu của người nhập cư mới như Ba Lan, Lithuania, Ukraine…cũng nằm ngoài chương trình dạy học của hệ thống giáo dục công.

Con số trên 450 tiếng nhập cư chỉ tính riêng ở London khiến không cơ sở trường lớp nào có đủ “resources” để hỗ trợ các gia đình nhập cư đời một.

Điều này khiến giáo dục cho con cái ngôn ngữ cha mẹ là người nhập cư gặp thách thức rất lớn.

Chia sẻ kinh nghiệp gia đình đã dạy được cho hai con sinh ở Anh đạt trình độ biết tiếng Ba Lan tương đối tốt và tiếng Việt trên mức giao tiếp cơ bản, anh Nguyễn Giang giới thiệu một số phương pháp dạy tiếng trong gia đình, như của Bell Foundation, của hiệp hội Trẻ em Đa ngữ (Multilingualchildren.org) với cử tọa.

Khái niệm “translanguaging” cũng được trình bày để giải tỏa tâm lý “cầu toàn” của nhiều bậc cha mẹ muốn ép con cái học tiếng bản ngữ của mình “giỏi, nói chuẩn từng câu” ngay từ nhỏ.

Sức ép này, theo anh Nguyễn Giang, là trái với môi trường tự nhiên đa ngữ, khi trẻ em pha trộn nhiều ngôn ngữ trong một câu và dịch chuyển cách nói từ tiếng A sang tiếng B, C hoặc ngược lại.

Gia đình diễn giả chụp hình kỷ niệm với bạn bè tại Warsaw

Điều quan trọng là ở giai đoạn ban đầu (stage 1) cha mẹ chấp nhận con nhỏ nói pha trộn, chêm từ ngữ vào câu, miễn làm sao các em nắm được những quy luật cơ bản và có thói quen nghe, hoặc nói bằng ngôn ngữ ngoài tiếng Anh (hoặc Ba Lan, trong môi trường ở Ba Lan). Sau đó, khi đã kiên trì tạo được môi trường đa ngữ trong nhà, hoặc trong nhóm bạn bè, thì mới cần bổ sung dạy lên cao để con em mình vững tin hơn khi học (stage 2, 3) và thực tập tiếng của cha/mẹ.

Một số ‘tips’ giúp con cái tự tin hơn khi tiếng của cha mẹ ở nhà không phải tiếng ở nước sở tại – ở Anh là khi cha mẹ không dùng tiếng Anh ở nhà vì tiếng Anh chỉ là tiếng phụ (EAL-English as an additonal language –  cũng được anh Nguyễn Giang truyền đạt lại, căn cứ vào nghiên cứu của GS Steven Strand OBE, ĐH Oxford.

Học giả Nguyễn Giang kể lại cả câu chuyện anh quan sát việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng gốc Việt ở Singapore và Đài Loan.

Ở đó, vấn đề gánh nặng về giờ học với trẻ em khi phải tập viết Trung văn, học toán, tiếng Anh cần được xử lý khôn khéo, không tạo ra sức ép quá mức cho các em nhỏ và cần biến “học thành chơi” và chọn cách đầu tư vào tiếng Việt lâu dài, kiên trì.

Hơn nữa, nhu cầu tìm được đồng thuận của cha mẹ là người nói hai thứ tiếng khác nhau, ví dụ bố là người Đài hoặc người Hoa Singapore, mẹ là người Việt Nam, là điểm mấu chốt để trẻ em trong gia đình hai văn hóa theo đuổi việc học tiếng Việt.

Đôi khi tranh cãi về việc dạy tiếng Việt cho con hay không có thể gây bất đồng nghiêm trọng trong gia đình.

Giới thiệu ví dụ bản thân, học giả Nguyễn Giang cho biết vợ của anh, Sylvia Nguyễn, luôn ủng hộ việc các con học tiếng Việt của bố và là người làm việc trong ngành giáo dục ở Anh nên đã bỏ nhiều giờ tự dạy các con nói tiếng Ba Lan của mẹ để đạt trình độ đọc được sách báo.

Một số bạn tham gia sự kiện đồng ý với các quan sát nói trên và cho rằng việc hỗ trợ tốt trong gia đình sẽ tạo đà cho con cái yêu thích tiếng Việt để khi lớn các cháu có thể tự học lên tiếp.

Họa sĩ Lợi Hồng Diệp kể câu chuyện gia đình đã thành công trong việc để con sinh ra ở Ba Lan học tiếng Việt đủ giỏi tới mức hiện về Việt Nam học đại học ngành nghệ thuật, theo mong muốn của cháu.

Vấn đề bản sắc văn hóa gắn liền với việc dạy và học tiếng Việt sau đó đã chiếm nhiều thời gian của phần hỏi đáp và tranh luận.

Một số vị khách cũng nói về nhu cầu có các khóa học hè tại Việt Nam do cộng đồng ở nước ngoài chia sẻ kinh phí để các thế hệ sau của người Việt tại châu Âu có thể học và tăng sự tự tin, hiểu biết về nguồn gốc Việt Nam.

Kết thúc sự kiện, anh Lê Xuân Lâm đã cảm ơn vị khách mời từ Anh “đã nhiệt tình hợp tác với Nhà văn hóa Việt-Ba, báo Quê Việt, góp phần truyền tải những thông tin bổ ích cho cộng đồng” và cảm ơn các bạn tham gia sự kiện chia sẻ, bổ sung nhiều ý kiến quý báu.

Cộng đồng người Việt tại Ba Lan đã tạo dựng được vị thế và hình ảnh văn hoá của mình ở nước sở tại

editors

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *