Giáo dục: 43% đại học ở Anh ‘sẽ thâm hụt ngân sách’ vào tháng 7/2025

Một báo cáo của Văn phòng phụ trách Sinh viên (Office for Students-OfS), thuộc Bộ Giáo dục Anh vừa báo động về nguy cơ thâm hụt ngân sách của các đại học ở Anh và Wales.
Bản báo cáo công bố hôm 08/05/2025 mang tên “Về sự bền vững tài chính của các cơ sở giáo dục đại học ở England” (Financial Sustainablity of Higher Education Providers in England) đánh giá các vấn đề tạo ra cuộc khủng hoảng đã âm ỉ từ nhiều năm qua.
Một trong những lý do là mô hình tuyển sinh thay đổi, với số sinh viên ngoại quốc – nhóm phải trả học phí cao hơn sinh viên nội địa – đã giảm đi nhiều.
“Các mô hình tuyển sinh trong năm học 2023-24 và 2024-25 cho sinh viên trong và ngoài Vương quốc Anh đã chứng kiến sự thay đổi đáng kể. Nếu xu hướng này tiếp tục, nó có thể gây thêm áp lực về tài chính cho các trường đại học. Lượng tuyển sinh từ nước ngoài trong năm học 2023-24 thấp hơn dự kiến tới 15,5%, chủ yếu do giảm trong tuyển sinh từ tháng 1 năm 2024 trở đi. Dự báo này tiếp tục như thế cho năm 2024-25, và số sinh viên nhập học hiện nay sẽ còn thấp hơn 21% so với các dự báo.”
Trang chuyên ngành Universities UK (UUK) đã nói rằng báo cáo này là “rất đáng lo ngại”, trong khi Bộ Giáo dục cho biết điều đó cho thấy cần thiết phải tăng học phí tại Anh.
Việc học phí đại học cho sinh viên nội địa bị đóng băng theo luật, không tăng từ mức trên 9 nghìn bảng/năm từ 2016, là lý do thứ nhì khiến dù một số trường tăng tuyển sinh nội địa để bù vào số sinh viên nước ngoài giảm đi, vấn đề thâm hụt ngân sách của họ không bớt trầm trọng.
Báo Financial Times ước tính các trường đại học ở Anh hiện đang mất thu nhập trung bình khoảng 2.500 bảng cho mỗi sinh viên nội địa một năm.
Con số mới nhất nói 270 cơ sở giáo dục đại học được đăng ký với OfS, có 117 cơ sở (43%) dự kiến sẽ thâm hụt ngân sách vào cuối tháng 7/2025, kể cả sau khi họ đã đóng các khóa học, cắt chi phí giảng dạy (sa thải giảng viên) và bán bớt tài sản, chủ yếu là bất động sản.
Việc giảm số lượng sinh viên quốc tế chịu tác động từ các thay đổi về visa vào tháng 1 năm 2024. Theo báo cáo, số lượng sinh viên quốc tế năm vừa rồi thấp gần 16% so với dự kiến ban đầu. Đã có kêu gọi bỏ con số sinh viên ra khỏi con số người nhập cư vào Anh, theo cách các nước EU đã làm, để bớt sức ép lên ngành giáo dục.
Nhưng vấn đề là người di cư vào Anh, gồm cả người nhập cư có visa như sinh viên, doanh nhân, du lịch, đều bị gộp vào một danh sách cùng người trốn vào lậu, gây căng thẳng chính trị, nhất là khi các đảng cánh hữu yêu cầu cắt con số chung bằng mọi giá.
Tuy thế, một blog trên trang của ĐH LSE cho rằng các thách thức tài chính hiện tại của các trường đại học Anh có căn nguyên xa hơn về trước.
Đó là cải cách về tài chính được thực hiện từ năm 2012, đi kèm việc cắt giảm hỗ trợ từ chính phủ cho các đại học, tạo ra ba hệ lụy lớn.
Ba lý do sâu xa:
Thứ nhất, mức học phí hiện tại dành cho sinh viên trong nước toàn thời gian học đại học ở Anh là 9.250 bảng Anh, sẽ tăng lên 9.535 bảng từ ngày 1 tháng 8 năm 2025, song vẫn chưa đủ để trang trải toàn bộ chi phí đào tạo.
Thứ nhì là chính sách cắt giảm tiền ngân sách bổ sung (grants) cho các đại học Anh. Hai yếu tố này cộng với việc đóng băng học phí bị tăng tại Anh và xứ Wales năm 2016, bất chấp lạm phát tăng vọt và chi phí vận hành của các trường đại học (điện ước, thuê mặt bằng, chi phí cho giảng dạy) tiếp tục tăng, gây khó khăn thêm cho ngành giáo dục đại học. Việc tăng học phí từ 9.250 lên 9.535 bảng có thể đã tạo khác biệt, nhưng chi phí bổ sung cho các trường từ khoản đóng góp Bảo hiểm quốc gia (National Insurance) theo dự kiến trong ngân sách, đã tiêu tan mọi lợi ích tiềm năng của sự điều chỉnh này.
Thứ ba, từ năm 2016, Brexit cũng bắt đầu làm mất đi nguồn tài trợ từ EU trong giáo dục đại học nói chung, nhất là các grants từ EU cho nghiên cứu. Thêm vào đó, sau Brexit, sinh viên từ EU phải đóng học phí quốc tế gấp đôi phí họ được hưởng theo quy chế sinh viên nội địa khi Anh còn trong EU, nên số sang Anh học giảm nhiều.
Hiện nay, học phí năm cho các môn học dạy bằng tiếng Anh ở nhiều đại học tại EU nhìn chung thấp hơn mức ở Anh, tạo ra sự cạnh tranh lớn. Ví dụ ở Áo, sinh viên EU/EEA chỉ phải trả có 363 euro/học kỳ và sinh viên từ bên ngoài khối EU/EEA trả 727 euro/học kỳ và một số môn có thể trả cao hơn, tới 7.500 euro/học kỳ.
Hiện các nhà quan sát đang khuyến nghị chính phủ Anh cho tăng học phí đại học với sinh viên nội địa và cấp tiền hỗ trợ việc giảng dạy đại học để duy trì các khóa học.
Bởi với tình trạng hiện nay, khi nhiều trường phải đóng cả bộ môn và sa thải giảng viên thì việc phục hồi ngành học và nguồn thu, kể cả khi có thêm tiền học phí, là bất khả thi.