Anh Quốc: người Mỹ và các quán bia nổi tiếng ở London
Bên trong một quán pub ở London – hình minh họa của Viet News UK
Trên thế giới người ta ai cũng biết nước Anh sinh ra nước Mỹ nhưng cụ thể như thế nào thì hiếm người tìm hiểu, chưa kể hai quốc gia này không chỉ gắn kết qua tôn giáo (đạo Tin Lành) mà còn qua cả bia rượu.
Ví dụ quán The Mayflower ở Rotherhithe, nay thuộc London là điểm hẹn của những người Anh theo Tin Lành đầu tiên đi con tàu cùng tên sang lập ra nước Mỹ.
Cốc bia Anh ấm lòng của quê hương giúp họ vượt hành trình sóng gió Đại Tây Dương để tới Tân Thế Giới năm 1620. Tên quán cũng là tên con tàu đưa những người tiên phong sang một vùng đất xa xôi, giá lạnh tìm cơ hội và tự do tôn giáo.
Quán Ye Olde Cheshire Cheese, Fleet Street (phố báo chí một thời) từng mang dấu ấn của Mark Twain.
Văn hào Mỹ gắn bó với London vì một chuyện buồn. Đã thành danh ở Hoa Kỳ, ông có chuyến đi nói chuyện văn chương ở châu Âu trong thập niên cuối của thế kỷ 19, và chọn London làm nơi ở chính.
Mùa thu năm 1896, con gái thứ hai của ông, Susy (Oliva Susan Clemens) chết ở tuổi 24 khi đã bắt đầu nổi tiếng như một cây bút phê bình văn học trẻ, có tác phẩm đầu tiên năm 13 tuổi.
Đau buồn vô hạn, Mark Twain và vợ không muốn về Mỹ ngay mà chọn lối sống ẩn dật ở khu Chelsea, London cho tới tháng 6 năm sau. Họ còn tiếp tục ở châu Âu đến năm 1900 mới về oHoa Hoa Kỳ.
Những nhà văn, nghệ sĩ thế hệ sau này từ Hoa Kỳ cũng theo chân Mark Twain tới London.
Quán The Dove (Bồ Câu) ở Hammersmith là nơi Ernest Hemingway, Dylan Thomas thường tụ tập cùng bạn bè. Đến thời gần đây thì nhà văn Anh Graham Greene, tác giả “Người Mỹ trầm lặng” cũng hay lui tới The Dove. Quán cũng ghi nhận nhà thơ Anh William Morris (thế kỷ 19) là khách uống thường xuyên. Xem ra bia rượu chưa hề buông tha khách thơ.
Một người Mỹ nữa nổi tiếng với quán bia Anh là Bill Clinton.
Vào tháng 12 năm 2000, khi vẫn còn làm Tổng thống Hoa Kỳ sắp bàn giao chức vụ, ông có chuyến thăm Anh và đã tạt vào quán The Portobello Gold làm vại bia cùng mấy món truyền thống Anh.
Vụ scandal đã nổ ra khi chủ quán nói với báo chí rằng ông Clinton “quỵt tiền bia và đồ ăn”, chừng 32 bảng Anh.
Tờ báo lá cải The Mirror thấy có cơ hội bán báo liền phỏng vấn chủ quán, trả khoản tiền đó thay cho vị khách Mỹ và chạy tựa đề lớn “We Pay Bill for Bill” (chơi chữ: Chúng tôi trả hóa đơn (bill) cho ông Bill”).
Thế nhưng Đại sứ quán Mỹ sau đó thông báo rằng có chuyện hiểu lầm khi một phụ tá của ông Bill Clinton nghe (nhầm) rằng người chủ quán nói sẽ phục vụ tổng thống Mỹ miễn phí. Dù sao đi nữa thì câu chuyện đã giúp The Portobello Gold thêm khách.
Nếu như Irish pub (quán bia của người Ireland) là một thương hiệu có tiếng trên thế giới, thì người Mỹ chỉ có một vài “American bar’ ở London.