Anh Quốc: Trò lừa tiền bằng video AI giả thủ tướng Starmer và Thái tử William
Thị trường tài chính London – hình minh họa của Viet News UK
Tại Anh, báo chí đang cảnh báo về trò lừa tiền bằng video AI giả hình và giọng nói của thủ tướng Starmer và Thái tử William “mời gọi đầu tư”.
Bà Ann Jensen, sống tại Salisbury, hạt Wiltshire, đã bị mất 20 nghìn bảng vì tin vào trò lừa “mua tiền mã hóa” (crypto) theo cách này.
Từ năm ngoái, số tiền mà băng nhóm lừa đảo công chúng ở Anh và các nơi lên tới 612 triệu bảng, theo BBC News.
Bà Jensen bị lừa khi tin vào video giả do những kẻ lừa đảo dùng công nghệ trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence-AI) chế ra, với Thủ tướng Anh, Keir Starmer xuất hiện trong video, “khuyến khích dân đầu tư vào tiền mã hóa”.
Sau khi bỏ vào có 200 bảng, bà nhanh chóng được bọn lừa đảo thông báo là tiền đã “có lời”, tăng lên 250 bảng và yêu cầu bỏ thêm thật nhiều.
Nay, bà Jensen nợ ngân hàng số tiền 20 nghìn bà lấy ra từ tài khoản để chuyển cho “những nhà đầu tư ảo”, và sẽ phải trả góp trong 27 năm tới.
Đây không phải là lần đầu tiên có thêm một người dân ở Anh bị lừa bằng công nghệ AI.
Cách tạo ‘deepfake’ thật không khó
Mới trong tháng 8 năm nay (2024), các báo Anh đưa tin hiện có những vụ lừa đảo lớn dùng công nghệ AI và hình giả giống thật (deepfake) để lừa công chúng.
Ví dụ, có băng lừa đảo tạo ra sàn giao dịch tiền mã hóa giả “Immediate Edge” tải lên hình video giả của Thủ tướng Keir Starmer và Thái tử William để lan tỏa tới 890 nghìn người qua mạng xã hội.
Một video đăng hình ông Starmer nói “đây không phải là trò lừa đảo” và mời người dân bỏ tiền, với khoản thấp nhất chỉ có 250 bảng, để “kiếm được những khoản tiền đổi đời”.
Một video khác tạo dựng lời Thủ tướng Anh công bố khai trương “Sàn đầu tư quốc gia” (National Investment Platform) để dụ dỗ công chúng bỏ tiền vào. Tiếp đó là một video giả có hình Thái tử William nói như thật, “xác nhận rằng Hoàng gia ủng hộ” sáng kiến mời gọi đầu tư trên toàn quốc của thủ tướng.
Trả lời BBC ở Anh, tiến sĩ Jan Collie, chuyên gia về an ninh mạng thuộc ĐH Open University, giải thích cách những nhóm tội phạm tạo video giả bằng AI ra sao.
Theo bà Jan Collie, ngoài xã hội đã có rất nhiều video về những người nổi tiếng như ông Keir Starmer nên việc tạo hình giả không hề khó. Họ chỉ cần “đưa vào máy thật nhiều video đó, và để trí tuệ nhân tạo học cử chỉ, nét mặt nói của ông và nhân bản được cả giọng nói”.
“Công chúng thường hay tin vào các nhân vật nổi tiếng vì họ cảm thấy yên tâm hơn, và mọi thứ trông cứ như thật.”
Bà khuyên người dân nên chú ý xem kỹ các hình deepfake, xem cử chỉ của người trong video, hay độ phân giải của hình có gì đó không thật hay không.
Tuy thế, việc giúp người dân tránh bị lừa công nghệ trong thời đại AI thật không dễ.
Không phải ai cũng có kỹ năng và hiểu biết về thị trường đầu tư, các sàn AI để bảo vệ mình.
Ngoài việc khuyến cáo công chúng cẩn thận, các chính phủ Anh, Mỹ và châu Âu liên tục đưa ra các quy định để quản trị an ninh tài chính trên các mạng xã hội khác nhau.
Tập đoàn Meta cho biết họ cũng hoạt động mạnh để xóa các trang lừa đảo. Thế nhưng, theo một số nhóm nghiên cứu chống thông tin giả thì chỉ vài tuần sau bầu cử (04/07/2024) ở Anh vẫn có ít nhất 250 lần hình giả “giống thủ tướng Starmer” xuất hiện trên các kênh của Meta, trang Bitfinder.com đưa tin hồi tháng 8.
Deepfake đã được dùng nhiều trong chính trị, hoặc để tạo ra video, âm thanh làm giả đối thủ chính trị trong dịp tranh cử nhằm bôi nhọ, hạ thấp họ, hoặc để đề cao bản thân.
Cùng lúc, công nghệ này đã nhanh chóng được các băng đảng lừa đảo tài chính áp dụng để kiếm lợi bất chính.