Cây đa, bến nước, quê nhà…

Cây đa, bến nước, quê nhà…
Truyện  ngắn của Ngô Xuân Tiếu

Bạn cùng trang lứa thường về quê ăn Tết với gia đình. Vào thời điểm này, tôi làm việc tại Hàn quốc theo hợp đồng xuất khẩu lao động. Kể cả thời gian ra hạn hợp đồng, vừa tròn 5 năm.

Về nước bắt tay vào kinh doanh bao thử thách cạnh tranh khắc nghiệt trên thương trường cuốn hút. Bây giờ, mọi việc đã vào nền nếp tôi quyết định về thăm quê nhà. Lòng trộn rộn háo hức của người xa quê lâu ngày thật khó tả…

Anh trai tôi được tin, ra tận cổng làng đón em. Tay bắt mặt mừng vì lâu ngày thằng em mới về thăm quê. Ông giận dỗi nói trong nước mắt: “ Sáu năm nay chú mới thò mặt về làng. May không phải hỏi thăm đường vào ngõ nhà mình.” Anh có ý trách đứa em vô tâm với nơi cha sinh mẹ đẻ ra mình.

Tôi biết lỗi lặng thinh chịu trận. Quả thật, tôi hết sức ngỡ ngàng trước sự thay đổi kỳ diệu ở quê nhà. Từ một làng thuần nông đất hẹp người đông, chiêm khê mùa thối. Luẩn quẩn trong sản xuất quan liêu bao cấp trói buộc nhiều năm, dân làng sống trong túng thiếu đã thay da đổi thịt như có phép lột xác nhiệm màu. Thấy tôi bâng khuâng xúc động trước sự đổi mới trên quê nhà, anh tôi hồ hởi kể:

“ Chú xem, đường làng ngõ xóm, kênh mương tưới tiêu, bờ vùng bở thửa bê tông hóa 100%. Nhà văn hóa làng có phòng đọc sách. Trụ sở Ủy Ban Nhân Dân xã. Trường học. Trạm xá. Nhà Văn Hóa Đa Năng. Trường mầm non hai tầng trị giá 23 tỷ đồng. Khu trung tâm văn hóa các thôn được xây dựng rất đẹp.

Trường mầm non. Trường tiểu học. Trường trung học cơ sở đạt chuẩn Quốc gia mức độ hai. Chợ. Đài truyền thanh khang trang. Tổng kinh phí xây dưng nông thôn mới trong xã: 126.089 triệu đồng. Dân đóng góp 49,58%.Trung ương, và tỉnh hỗ trợ 17,06 % bằng xi măng. Các nguồn thu từ nhà hảo tâm 2,67%.

Hôm tổng kết xây dựng nông thôn mới, ông Bí Thư Đảng ủy tâm đắc nói:

“ Xã ta hoàn thành 19 tiêu chí, do làm tốt công tác vận động quần chúng. Xã hội hóa việc đóng góp kinh phí. Nhờ đó, ta không nợ Nhà nước, về đích trước thời gian một năm. Được tặng thưởng huân chương lao động hạng hai. Thủ Tướng chính phủ thưởng một tỷ đồng. Ý Đảng hợp lòng dân!”

Anh tôi hào hứng kể: Từ khi dồn điền đổi thửa thành những cánh đồng mẫu lớn, đưa cơ giới vào sản xuất thuận lợi. Điều tra thổ nhưỡng những vùng trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng dược liệu, cây ăn quả, hoa, cây cảnh đạt hiệu quả kinh tế cao. Hộ nghèo trong xã chỉ còn 1,5%.Từ một vùng quê nghèo thành trù phú về kinh tế, văn hóa – xã hội, quốc phòng- an ninh như người lột xác.

Tôi tha thẩn bên cổng làng đọc đôi câu đối của giáo sư Vũ Khiêu: “ Cổng dựng nơi đây, tiếp đón con em về bái tổ. Làng chờ trong đó, chúc mừng bè bạn đến thăm quan.” Tự dưng thấy sống mũi cay…cay… Tự hào về quê nhà, từ nghèo khó vượt lên thành điển hình tiên tiến của huyện, thuộc tốp dẫn đầu của Xứ Thanh- mảnh đất sinh Vua- địa linh nhân kiệt.

Đi sâu vào trong làng, khu dân cư nhà mới xây mọc lên san sát. Nhiều nhà hai, ba tầng kiểu mới rất đẹp đang hoàn thiện nội thất còn thơm mùi sơn.Trong các ngõ xóm, đà giáo vươn lên không trung tua tủa, không khí kiến thiết nhộn nhịp như công trường xây dựng.

Từ cổng làng vào khu trung tâm văn hóa thôn tôi, trục đường chính rộng sáu mét, trải bê tông phẳng lỳ, men theo dọc hồ sen đang mùa hoa thơm ngát. Hai bên đường, hàng tùng tháp như ngọn giáo khổng lồ chỉa lên vòm trời xanh, xen kẽ giữa các bồn hoa, cây cảnh được cắt tỉa tạo dáng đẹp chẳng kém cảnh quan đường đô thị.

Anh tôi thay nếp nhà tranh vách đất bằng ngôi “ nhà vườn” trên mảnh đất hơn năm trăm m2 ở giữa làng. Mọi trang thiết bị cho nhu cầu cuộc sống hiện đại khép kín.

Trước sân, có hàng cau liên phòng trĩu quả, soi bóng xuống ao cá. Trong vườn vài luống rau xanh, mươi thùng ong đặt dưới gốc cam; ong thợ à, à… đi về, con nào cũng chất đầy hai túi phấn hoa nối đuôi nhau vào tổ. Con người gắn bó với vạn vật, giữa thiên nhiên thật hài hòa.

Bộ sa lông sang trọng đặt ở phòng khách. Ty vi, tủ lạnh, máy tính, máy giặt, quạt hơi nước “Ka Zu Ko” chế tạo từ Nhật Bản, thay điều hòa nhiệt độ…

Nhìn cơ ngơi khang trang, mừng cho anh thoát cảnh túng thiếu, quanh năm cắm mặt xuống đất, phơi lưng giữa trời vẫn không thoát nghèo. Ngày lễ, Tết mới dám mặc quần áo đẹp. Hôm nay ra cổng làng đón em, anh tôi chững chạc trong bộ com lê, nom ông trẻ ra đến năm, bảy tuổi.

– Sao bác không làm nhà tầng. Bây giờ nhiều kiểu nhà mới đẹp lắm? –

Tôi hỏi.

– Mình có đất ở rộng rãi thoáng mát đủ bốn hướng gió, cần bao nhiêu diện tích ta làm bấy nhiêu, không phải leo cầu thang. Tội chi làm nhà cao tầng leo lên, tụt xuống cho mệt. Ông vê mồi thuốc lào nạp vào nõ chiếc điếu cày, châm lửa rít một hơi dài, chiêu ngụm nước chè xanh khoan khoái nhả khói cười khà. Tự thưởng cho ý tưởng làm nhà vườn của mình.

– Em biếu bác cái ty vi mặt phẳng màn hình rộng để anh xem bóng đá U23 châu Á.

– Cảm ơn em. Được thế này là nhờ trồng dược liệu đấy! Trước đây làm năm sào ruộng, quay vòng mỗi năm hai lúa, một mầu. Vụ đông trồng khoai tây, đậu tương, ớt, ngô. Năng suất tối đa, cũng chỉ đủ ăn. Nay, trồng hai sào dược liệu đánh ngã cả mẫu lúa. Mà không tốn nhiều nước tưới, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật như trồng lúa, nhiều nhà giàu lên. Mình so với các hộ trong làng đã ăn thua gì. Hôm nào em đến nhà chú Kỳ- gia đình sản xuất giỏi cấp huyện mà xem họ làm giỏi lắm.

– Kỳ nào, anh?

– Kỳ con ông bạ Cầu. Đồng tuế đồng môn với chú. Vợ chồng Kỳ hỏi thăm em luôn. Hôm nọ Kỳ sang chơi biếu anh chai mật ong, hướng dẫn tôi cách lai ghép cây, và tạo ong chúa. Nó cứ dặn đi dặn lại anh: “ Khi nào Doanh về thăm quê, mời sang nhà nó chơi thi vật, thi bơi để phân thắng thua.” Nó cười hồn nhiên, nhắc lại thời chăn trâu, cắt cỏ… cái thằng, miệng nói tay làm. Sẵn lòng giúp mọi người kỷ thuật nuôi ong, lai ghép cây giống, và bao tiêu dược liệu.

– Em nhớ rồi. Kỳ đen như củ tam thất, bạn nối khố từ thủa tắm truồng. Khi học phổ thông trung học nó bày đủ trò nghịch. Ba tháng nghỉ hè cùng chăn trâu cắt cỏ, đánh trận giả, kéo co, vật nhau, đuổi bắt trên sông ngụp lặn thỏa thuê. Đứa nào chưa biết bơi phải ôm khúc chuối, ống bương tập luyện.Thành ra cậu nào cũng bơi lặn thạo.

Hằng ngày khoảng bảy giờ sáng, bọn trẻ lùa trâu sang đồng cỏ mênh mông bên kia sông Bưởi; tầm mười một mười hai giờ trưa mỗi đứa mang vài đon cỏ, bám đuôi trâu lội sông về gốc đa làng nghỉ trưa. Mỗi đứa một mo cơm nắm, mấy quả cà muối chấm muối vừng ăn bữa trưa ngon lành bên gốc đa làng. Buổi chiều, lùa trâu về cánh bãi bên bờ sông Mã. Bọn em thi vật, bơi lặn đuổi bắt nhau mắt đỏ hoe như mắt cá chày.

Kỳ bơi rất giỏi, nhất là khi hắn lặn mất tăm như con tấy cá. Chúng em gọi “Kỳ tấy.” Có lần, không thấy hắn ngoi lên bọn em đi dọc bờ sông tìm. Thấy các em khóc hớt hải tìm kiếm, hắn cười hì, hì…

-Tao đang ngồi đây, chúng mày khóc cái gì. Mau lại gốc đa vật vài keo phân định thắng thua nào!

Mặt trời xuống núi. Trên đường lùa trâu về chuồng tôi hỏi Kỳ tấy:

– Mày lên cây đa lúc nào, bọn tao tìm không thấy?

– Khi chúng mày bơi xuôi, tao lặn ngược dòng túm cành đa vươn ra mặt sông leo lên. Hi… hi…

– Tao cứ tưởng mày đuối hơi chìm dưới đáy sông. Lo quá.

– Chết thế nào được Kỳ tấy! Hắn lại cười… hì… hì!

Tôi thường thắng Kỳ tấy nhiều keo vật cam go bên bờ sông. Vỗ bụng hắn bồm bộp, hỏi:

– Thua chưa? Lừa khi tôi bất cẩn, hắn gồng mình lật lại, vỗ bụng tôi, nói:

– Mày lấm lưng rồi nhé. Mai vật lại. Hôm nay tao chưa chịu thua đâu!

Một hôm, chúng tôi lặn ngụp chán rồi ngoi lên bè luồng ngồi hóng gió. Kỳ tấy vỗ ngực thách: Đố bọn mày bắt được tao trong gầm bè luồng! Vừa dứt lời hắn lao ùm xuống sông lặn một hơi dài, ra giữa dòng giơ tay vẫy vẻ khiêu khích. Rồi mất hút trong gầm bè luồng.

Bọn tôi chia ba hướng: Đầu bè, cuối bè, và đoạn giữa bè vây bắt, không thấy tăm hơi hắn đâu. Tôi nhìn trong gầm bè chỉ thấy màu nước vàng như nghệ, chảy xiết, thi thoảng đụng đầu vào gầm bè luồng lục cục đau điếng. Đuối hơi mệt nhoài, tôi vội ngoi lên thở, đã thấy hắn ngồi trên bè luồng, cười khì…

– Chúng mày thua rồi nhé. Lâu không thấy bạn Ngọc ngoi lên. Kỳ tấy quả quyết:

– Thằng Ngọc nguy rồi. Hình như có cái gì đụng lịch kịch dưới gầm bè chúng mày ơi. Hắn lao ùm xuống nước lặn vào gầm bè lôi nạn nhân lên dốc ngược hai chân lên trời nước từ trong bụng tuôn ra, thằng Ngọc thoi thóp thở thoát hiểm. Chiều hôm đó Kỳ tấy bị bố trói vào cột nhà cho một trận đòn nhớ đời. Tội bày trò đuổi bắt nhau trên sông, nguy hiểm hơn là trong gầm bè luồng. Từ đó chúng tôi không chơi trò dại dột này nữa!

Chiều chiều, vật nhau bên gốc đa làng, người lấm lem mồ hôi, đất cát. Lại dụ nhau ra bè luồng nhảy ùm xuống sông tắm mát, trước khi lùa trâu về chuồng.

Hai cây đa làng đứng cạnh nhau gốc to như cái nong đại, năm sáu người nối vòng tay ôm không xuể. Bộ rễ khổng lồ bạnh muối khế tạo ra nhiều hang hốc. Những hôm trời mưa thâm, gió rét, bọn trẻ chăn trâu thường chui vào tránh mưa. Những đọan rễ đa nổi trên mặt đất như đàn trăn khổng lồ bò ra ngoài bãi phơi nắng. Tán đa xòe rộng trùm quá nửa cánh bãi, mùa hè gió nồm từ sông thổi lên mát rượi. Khi đông vụ chí kỳ, nhiều người ăn bữa trưa tại đây, chiều kịp xuống đồng cày cấy. Hai cây đa hóa trạm nghỉ trưa của nhà nông – nơi bọn trẻ chăn trâu với bao kỷ niệm tuổi thơ trên quê mình. Không biết hai cây đa này có từ bao giờ.

Tôi hỏi Kỳ tấy:

– Mày hay đọc sách có biết hai cây đa làng ta có từ khi nào không?

– Kỳ tấy bảo ông nội tao kể: Vào thế kỷ thứ XVII, dọc bờ sông, đoạn từ bến Ghềnh đến cửa sông Bưởi dài khoảng một cây số, nhà Lê đào hầm làm chuồng nhốt voi, hầm hình vuông mỗi cạnh chừng mười mét, sâu một mét rưỡi, tất cả mười ba hầm. Đội tượng binh mai phục ở đây phòng giặc tấn công đường sông. Quản tượng trồng hai cây đa bên vọng gác tránh nắng. Nhờ bộ rễ lực lưỡng cắm sâu bắm chặt vào lòng đất, và nhiều chùm rễ phụ từ trên cao thả xuống bám đất tạo thành những cột chống vững chắc, giúp cây đứng vững đến ngày nay.

Trên đường vào nhà Kỳ tấy, đến ngã ba xóm Trại tôi chưa biết rẽ lối nào, thấy bọn trẻ chăn trâu ngửa cổ dong dây diều, reo hò trên sườn đồi. Tôi xuống xe, xởi lởi:-Mấy cháu cho bác hỏi lối vào nhà ông Kỳ. Một cháu trai chừng mười ba, mười bốn tuổi nhanh nhẩu đáp:

– Có phải ông hỏi ông Kỳ- vua dược liệu? Ông rẽ tay phải, đi dọc triền đồi này, khi thấy hai hàng cau lùn trồng hai bên đường vào ngõ, trước sân có vườn bưởi, là nhà ông Kỳ!

– Cảm ơn cháu!

Tôi men theo con đường trải bê tông láng bóng giữa hai triền đồi thoai thoải những ngôi nhà vườn màu ngói đỏ tươi, xen kẽ kiểu nhà mái Thái, nhà hộp cao tầng giữa những vườn cây ăn quả, cây dược liệu, và hoa… mùi hoa cau thoảng trong gió. Hai hàng cau lùn ngoài ngõ. Vườn bưởi trước nhà đây. Thấy người lạ vào ngõ, con béc to như con bê trong cũi sắt sủa gồng gồng. Kỳ tấy từ trong nhà ra, còn cách vài bước hai đứa nhào vào ôm nhau đứng giữa sân hồi lâu, chẳng ai kịp nói điều gì. Chỉ thấy sống mũi cay cay… lòng nôn nao thổn thức. Vỗ lưng tôi bồm bộp Kỳ tấy hỏi:

– Doanh, ông về hôm nào?

– Mình về vài hôm nay xây mộ cho các cụ xong. Nay đến thăm ông xem còn vật nhau, và bơi lội trong gầm bè luồng được không. (Cười)

– Nào, mời ông vào nhà. Có lẽ đến sáu năm nay mình mới gặp nhau đấy nhỉ?

– Ừ. Lâu không về nhớ bạn lắm. Nhất là ngàyTết làm thuê ở đất khách quê người, nhớ gia đình làng xóm bạn bè, bến sông quê nhà phát khóc ông ạ!

– Ông chuyển nhà ra đây từ bao giờ mà có cơ ngơi khang trang thế này?

– Cũng nhờ phong trào xây dựng nông thôn mới. Tổ chức lại sản xuất dồn điền đổi thửa, tạo những cánh đồng mẫu lớn đưa cơ giới vào sản xuất; thông qua điều tra thổ nhưỡng bố trí cây trồng hợp lí. Mình đổi toàn bộ diện tích đất hai lúa cho ông anh ra triền đồi này thầu thêm năm héc ta trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, và dược liệu vài năm năm nay.

– Ông lấy nước từ đâu tưới cho khu vườn đồi này?

– Ngoài ba sào ao nuôi cá dưới chân đồi, tớ có năm giếng khoan, và giàn máy phun nước giữ độ ẩm cho cây không tưới tràn bào mòn đất, lãng phí nước. Kỳ tấy dẫn tôi thăm vườn bưởi trước nhà quả sai lúc lỉu. Loại to bằng quả gấc, loại nhỡ như quả cà, quả ổi.

– Bưởi này, ở ta bán có được giá không?

– Tôi bán buôn năm mươi, đến sáu mươi ngàn một kg. Hơi đâu mà đếm quả. Kỳ tấy hái một quả bưởi gọt vỏ, chia sẻ: Mình vừa lai ghép thành công giống bưởi này với bưởi Diễn có quả quanh năm. Ông ăn thử xem chất lượng thế nào.

Múi bưởi to như chiếc lược nhựa màu hồng không có hạt, vị ngọt thanh, rôn rốt chua, thơm mùi đặc trưng của bưởi Diễn rất ngon miệng. Nó rất thích hợp với đồng đất này. Mỗi năm thu vài tấn quả dễ như người thò tay vào túi. Bưởi ngon thế này đem xuất khẩu, ông lại có nguồn thu ngoại tệ.

– Cảm ơn Doanh. Tôi mong được như vậy, để nhà nông mình thoát cảnh được mùa mất giá.

Kỳ tấy đưa tôi đến thăm vườn dược liệu có hàng trăm loài cây thuốc. Tôi chỉ biết một số cây thông thường như: Giảo cổ lam, kim ngân hoa, chè dây leo, khôi nhung, ba kích, đan sâm, hà thủ ô, sinh địa, cà gai dây leo, tam thất, và quế.

– Ông tiêu thụ sản phẩm bằng cách nào- tôi hỏi

– Các công ty dược trong nước ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Mình đứng ra thu gom hết sản phẩm cho bà con trong vùng. Cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, chăm bón, thu hái bảo quản chế biến sản phẩm cho họ.

Kỳ tấy đưa tôi sang khu vực trồng hoa. Khoảng nửa héc ta trong nhà lưới, Hàng trăm loài hoa đủ sắc hương. Có giống hoa từ Pháp, Bulgaria, Hà Lan, Nhật Bản,Thái Lan…

Kế đó, là vườn hoa đào ngoài trời, khoảng nửa héc ta gồm: Đào phai, bích đào, và đào xứ Lạng. Một nửa trồng dưới vườn, nửa trồng trong ang, chậu, ôm đá. Các nghệ nhân uốn nắn kỳ công.

Kỳ tấy cho biết: Đào thế trong chậu và những cây ôm đá bán cho khách giàu, có những cây vài chục triệu, thậm chí hàng trăm triệu. Những năm thời tiết thuận lợi nguồn thu từ các loại hoa vào dịp Tết, nhất là hoa đào bán rất chạy. Các hoa khác bán suốt năm phục vụ lễ hội, thắp hương những ngày sóc vọng, cưới xin, giỗ chạp, sinh nhật…

Ấn tượng nhất là vườn cây thế. Những gốc cây to, u bướu, hang hốc rêu phong đến vài trăm tuổi. Được tạo thế, cắt tỉa rất đẹp. Có cây đã tham dự hội cây thế tại Hà Nội

Trong bữa cơm thịnh soạn, sau một tuần rượu tôi hỏi Kỳ tấy:

– Vườn rộng khinh doanh đa dạng ông thuê người giúp việc, trả thù lao cho họ như thế nào?

– Ông thấy đấy: Bình quân có hai mươi người làm việc thường xuyên. Lao động thủ công mỗi ngày một trăm năm mươi ngàn. Người có tay nghề chuyên môn cao, như kỷ thuật lai ghép, ươm trồng hoa, cây dược liệu, cây ăn quả, tạo dáng thế, chăm bón cây cảnh mỗi ngày từ hai trăm năm mươi, đến ba trăm ngàn.

Nhìn chung, họ gắn bó với công việc. Nhiều người có việc làm, thu nhập ổn định góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững. Toàn xã phấn đấu đến cuối năm 2018 không còn hộ nghèo. Đạt tiêu chí làng kiểu mẫu!

– Ông vợ con gì chưa, hay vẫn sống độc thân? Công việc kinh doanh thế nào- Kỳ tấy hỏi.

– Chúng mình gặp nhau bên Hàn Quốc. Về nước đã ngoài ba mươi tuổi mới lập gia đình. Vừa sinh một bé gái. Bọn mình kinh doanh thời trang, và mỹ phẩm. Thu nhập bước đầu cũng tạm được. Chẳng biết lâu dài thì sao, bởi sự cạnh tranh trên thương trường khốc liệt lắm. Cũng như ngày xưa ta vật nhau ấy mà. Mấy keo tôi vỗ bụng ông bồm bộp, mà ông có chịu thua đâu? (Cười.)

– Thế vợ con cậu thế nào – Tôi hỏi Kỳ tấy.

– Vợ chồng mình có một cháu đang học khoa quản trị kinh doanh năm thứ ba. Tháng trước nó mới đưa bạn gái về thăm gia đình. Con bé học nghành trồng trọt năm thứ hai, chuyên lai ghép nhân giống cây trồng.

– Thế thì tốt, chúng nó thay ông tiếp quản cơ ngơi này quá đẹp. Chúc mừng ông làm giàu trên quê hương một cách thuyết phục! Chia tay Kỳ Tấy, hình ảnh cây đa, chuồng voi, bến bãi một thời bọn trẻ con chúng tôi chăn trâu, cắt cỏ, lặn ngụp trên sông. Hàng cau, vườn bưởi trĩu cành, vườn dược liệu hàng trăm loài cây thuốc quý; hoa, cây cảnh, những chiếc máy gặt đập liên hợp, máy cày máy cấy nhộn nhịp trên cánh đồng mẫu lớn. Hình ảnh những ngôi nhà vườn đủ tiện nghi cứ vấn vương trong đầu tôi…

Quê nhà xuất hiện nhiều điển hình sản xuất hàng hóa quy mô lớn, công nghệ mới chất lượng cao, làm thay đổi đời sống vật chất, tinh thần trong cộng đồng làng xã. Bộ mặt nông thôn mới sáng bừng lên.

Tôi cho xe đi chậm, ngắm bức tranh toàn cảnh đa màu sắc về nông thôn mới. Người tạo ra bức tranh sinh động này là người nông dân phát huy tinh thần lao động sáng tạo, biến thành hiện thực trên quê nhà!

Truyện ngắn đã đăng trên trang VietVanMoi.fr

editors

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *