ĐỀN MIẾU Ở KINH BẮC

ĐỀN MIẾU Ở KINH BẮC

Nguyễn Văn Hoa

Ngoài đình chùa, hệ thống đền miếu ở Kinh Bắc cũng dày đặc. Đó là nơi dân gian bày tỏ tâm linh của mình với các vị thần thành có công với đất Kinh Bắc và đất Việt ta. Vậy đền miếu Kinh Bắc có gì đặc sắc?

Đền Đô ở Đình Bảng:

Có thể kể trước tiên là Đền Đô (Đền Lý Bát Đế), nơi thờ các vị vua nhà Lý. Đền thờ Lý Thái Tổ, người lập ra triều Lý và khai sáng kinh thành Thăng Long (gần 1000 năm). Ông có bài văn chiếu rời đô (từ Hoa Lư – Ninh Bình ra Thăng Long) với khẩu khí hào hùng tự hào dân tộc; Lý Thái Tông với chiếu xá thuế cho dân; Lý Thánh Tông với nhiều truyền thuyết về Nguyên Phi ỷ Lan; Lý Nhân Tông tổ chức thi đầu tiên chọn được trạng nguyên Lê Văn Thinh (Kinh Bắc); Lý Thần Tông thực hiện chiến lược “ngụ binh ư nông”; Lý Anh Tông với tầm nhìn ra đại dương đã sáng lập hải cảng Vân Đồn năm 1149.

Vua Cao Tông, khi ấy nhà Lý đã suy yếu, vua đã biết ân hận: “Nay trẫm sẽ sửa lỗi lầm, cùng trăm họ bắt đầu canh tân.” Vua Lý Huệ Tông không có con trai, truyền ngôi cho con gái là Lý Chiêu Hoàng và đi tu.

Đền Lý Bát Đế ở làng Đình Bảng (Từ Sơn – Kinh Bắc) chỉ thờ 8 vị vua nhà Lý. Riêng Lý Chiêu Hoàng, do tín ngưỡng dân gian, vì việc làm nghiêng đổ triều Lý rơi vào tay triều Trần, nên “bị” thờ riêng ở Đền Rồng.

Tại Đền Đô còn lưu giữ tấm bia do Phùng Khắc Hoan, tiến sĩ khoa Canh Thìn (1580), thượng thư bộ hộ soạn. Văn bia khẳng định: “Tám đời vua có nhiều công lao xây dựng đất nước, chống giặc ngoại xâm, được dân Nam nhớ ơn đời đời cúng tế.”

Ngày xưa, Đền Đô có 40 thửa ruộng với 184 mẫu 4 sào để hương khói quanh năm. Ngày nay, Đền Đô là một trong những ngôi đền quy mô hoành tráng nhất và được tổ chức lễ tế lớn nhất nước.

Đền Sỹ Vương tại Thuận Thành, Kinh Bắc:

 đền này ghi lại dấu vết của thời Bắc thuộc ở Luy Lâu. Còn có nhiều quan điểm trái ngượcnhau đánh giá về nhân vật lịch sử Sỹ Nhiếp. Ví dụ một quan điểm xưa : Năm 1661 đời Lê có văn bia do lễ bộ tả thị lang tước nghĩa quận công Nguyễn Tính đã soạn văn bia, cho rằng: “Sỹ Vương (Sỹ Nhiếp) người nứơc Lỗ là một vị chân nho sang Giao Châu làm thứ sử , lại coi trọng văn học.” Mộ Sỹ Nhiếp từng bị giặc Chiêm Thành khai quật. Nay mộ chỉ thấy xây viền, cỏ mọc um tùm, ngôi mộ nhìn về phương Bắc. Tại cổng đền vẫn có đắp nổi chữ “Nam bang học tổ”, là một trong những kẻ xâm lược phương Bắc đưa chữ Nho vào nước ta. Cùng với thành Luy Lâu có nhiều mộ cổ Hán, thì đền Sỹ Nhiếp là một bằng chứng lịch sử để chúng ta cùng suy ngẫm!

Đền Trạng Nguyên (Đệ Tam Tổ Lý Trạng Nguyên Hành Trạng) ở xã Vạn Tư, Kinh Bắc:

Đền thờ Thiền sư Huyền Quang, Đệ Tam Tổ Trúc Lâm, người đã cùng Trần Nhân Tông và Pháp Loa gây dựng nên Thiền phái Trúc Lâm độc lập của nước ta. Ông sinh năm 1254, mất năm 1334, thọ 81 tuổi. Bia năm 1865 thời Nguyễn còn cho biết: Thượng hoàng Trần Minh Tông ban 10 lạng vàng để xây tháp xá lị ở phía sau chùa, cấp cho chùa Côn Sơn 155 mẫu ruộng để phục vụ việc phụng thờ thiền sư.

Chỉ Từ Bà Nguyễn Thị Kim ở xã Tỳ Bà, Kinh Bắc:

Theo chỉ của vua Gia Long ban cho bà Nguyễn Thị Kim, cung phi của vua Lê Chiêu Thống, danh hiệu An Trinh Tuấn Nghĩa vì bà đã có công đi đón hài cốt Lê Chiêu Thống từ Yên Kinh (tàu) về nước và sau đó uống thuốc độc tự tử để tỏ lòng trung trinh. Như vậy, theo tín ngưỡng đương thời, bà là người chung thuỷ với chồng. Phải chăng vua Gia Long cho rằng việc “rước voi về rầy mả tổ” là việc của “bề trên”, không liên quan đến phận phụ nữ liễu yếu đào tơ?

Đền Bà Chúa Kho:

Đây là đền thờ được mọi người rầm rộ đến lễ bái từ năm 1986 trở lại đây. Từ mốc thời gian này, nhà nước khuyến khích mọi người làm giàu. Muốn làm giàu thì cần có vốn lớn. Thế là vào các ngày Rằm, Lễ Tết, đông đảo các doanh nhân, đại gia từ khắp nơi đến Bà Chúa Kho để vay tiền, họ coi bà như một ngân hàng có vốn vô hạn, ai muốn vay bao nhiêu thì vay. Họ đốt vàng mã. Không biết bà có sổ sách kế toán ghi chép không, nhưng ai đã đến vay thì đều tự giác trả, nếu làm ăn phá sản hoặc bị tù, vẫn phải nhờ người thân sắm lễ để xin khất nợ. Vía của bà rất nặng. Cầu xin thì tất ứng.

Có thể coi bà là Thần Tài ở Việt Nam, cũng giống như bà Chúa Sứ ở An Giang.

Đền thờ Kinh Dương Vương:

Đền này quy mô nhỏ hơn Đền Hùng Phú Thọ. Nó nằm bên bờ sông Thiên Đức (Đuống), nơi ông sinh ra Lạc Long Quân và bà Âu Cơ. Dân gian vẫn hương khói quanh năm.

Kết Luận:

Trên đây chỉ nêu vài đền tiêu biểu ở Kinh Bắc. Rõ ràng tín ngưỡng dân gian, nếu được phân tích kỹ lưỡng sẽ thấy rất mâu thuẫn, nhưng nó vẫn tồn tại ngoài ý muốn chủ quan của chúng ta. Đền miếu ở Kinh Bắc là một mảng gắn bó quan trọng với tâm linh đã tồn tại hàng nghìn năm.

Bài đã đăng trên trang VietVanMoi.fr

editors

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *