Giáo dục Anh: Khám phá thế giới và khám phá chính mình

Giáo dục Anh: Khám phá thế giới và khám phá chính mình

Vũ Nam Trang Linh (bìa phải trong hình trên) gửi bài từ Leeds, England:

Tôi tốt nghiệp cấp 3 đúng vào thời điểm đại dịch bùng nổ năm 2020. Khi đã nhận được kết quả của kỳ apply đại học tại Mỹ thì đại dịch ập đến, mọi kế hoạch tưởng chừng đã hoàn hảo bỗng chốc trở nên mơ hồ. Ở tuổi 18, tôi đứng trước một lựa chọn có thể ảnh hưởng đến cả tương lai sau này của mình và gia đình: đi hay ở?

Tôi yêu Việt Nam vô cùng – yêu từng con phố quen thuộc, yêu những bài học từ gia đình, trường học và cộng đồng nơi tôi lớn lên. Tôi trân quý sự yên bình của quê hương, hương vị quen thuộc của những món ăn mà sau này tôi nhớ da diết trong những ngày tháng xa nhà. Nhưng sâu thẳm trong tôi là khát khao trải nghiệm một thế giới rộng lớn hơn. Tôi biết mình cần hy sinh thời gian ở bên gia đình, bạn bè và người thân để đổi lấy những trải nghiệm mà tôi hằng mơ ước. Và động lực lớn nhất thúc đẩy tôi là: đi để trở về – trở về với hành trang dày dặn hơn, tầm nhìn rộng mở hơn và khả năng đóng góp lớn lao hơn dành cho đất nước.

Hành trình cá nhân

Sau một năm học trực tuyến tại nhà vào 2021, tôi lên đường sang Mỹ. Năm 2024, tôi tốt nghiệp với một tấm bằng cử nhân và một tấm bằng thạc sĩ ngành Data Science và Business Analytics. Gần bốn năm trải nghiệm học tập và làm việc tại Mỹ, tôi lại đứng trước câu hỏi tiếp theo: “Tôi nên làm gì?”. Tôi có nên cầm những tấm bằng đó và đi làm? Ở Mỹ hay về Việt Nam, hay đến một nơi khác? Đó là quyết định vô cùng khó khăn và đầy lưỡng lự. Khi thế giới càng phát triển, chúng ta càng đứng trước nhiều lựa chọn, và càng khó để cân nhắc, đong đếm. Chúng ta chỉ có một cuộc đời, vậy làm thế nào để bước đi mà không ngoảnh đầu hối tiếc?

Thời điểm quyết định tiếp tục học tại Anh, tôi đã tự nhủ quyết tâm “đâm lao phải theo lao”. Tôi muốn học và làm về giáo dục, muốn nghiên cứu sâu hơn và trải nghiệm một nền giáo dục và văn hóa khác biệt, để học tập những điều tốt nhất và mang về xây dựng quê hương. Tôi sang Anh học thêm một bằng thạc sĩ ngành Quản trị Kinh doanh với dự định theo đuổi học vị tiến sĩ về Quản lý Giáo dục và Đổi mới Hợp tác Kinh tế.

Gần đây tôi có xem trên Youtube trong series “Từ Tốn Học” của Spiderum, tập thứ 8 là cuộc trò chuyện với với TS. Phí Linh Giang trong chủ đề có tên là “Tư duy là tài sản lớn nhất trong thế giới biến động”. Trong video podcast có một khái niệm được nhắc đến đó là “VUCA” đại diện cho bốn khái niệm cơ bản Volatility (Biến động) – Uncertainty (Không chắc chắn) – Complexity (Phức tạp) – Ambiguity (Mơ hồ). VUCA là thuật ngữ đầu tiên được sử dụng bởi Quân đội Hoa Kỳ để mô tả về thế giới “đa cực” với bối cảnh đa biến, phức tạp mà họ gặp phải trong các tình huống chiến tranh và quản lý trong những năm 1990. Trong podcast có nhấn mạnh rất nhiều lần về sự quan trọng của tư duy linh hoạt và khả năng thích ứng trong thời đại VUCA.

Trước đây, tôi vốn luôn tự ti về bản thân vì không có chuyên môn sâu về điều gì cụ thể. Mỗi lĩnh vực tôi đều chỉ biết một ít, ở mức trung bình hoặc sơ cấp. Tôi nhận thức được mình là người có thể học nhanh, bắt chước nhanh và dám thử nghiệm. Kết quả là tôi giống như một bức tranh với rất nhiều màu sắc, mỗi màu chỉ được tô một chút để có cái gọi là “trải nghiệm”. Và đó thực sự không phải điều tôi tự hào, mà là nỗi tự ti – tôi không có chuyên môn sâu về bất kỳ điều gì, và điều này khiến tôi khó xác định được thứ mình muốn theo đuổi. Tôi không ngờ rằng, đến một ngày, những điều này lại trở thành thế mạnh về khả năng thích nghi và học hỏi, một tư duy cởi mở đón nhận những điều mới và tận dụng những điều cũ đã học để biến tấu theo thời đại. Đó chính là giá trị của trải nghiệm và kiến thức đa dạng.

Vậy liệu câu nói “một nghề cho chín còn hơn chín nghề” có còn đúng không trong một thời đại thay đổi liên tục và đòi hỏi khả năng thích nghi nhanh chóng?

Quan điểm vốn đã ăn sâu vào tư duy nhiều thế hệ này có lẽ không còn phù hợp trong thời đại khi robot có thể thay thế con người trong nhiều công việc chuyên môn, và một người có thể phải thay đổi nghề nghiệp 5-7 lần trong đời. Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, 65% học sinh tiểu học hiện nay sẽ làm những công việc chưa từng tồn tại.

Điều này không có nghĩa chuyên môn không còn quan trọng, mà là cách tiếp cận với chuyên môn đã thay đổi. “Chúng ta cần vừa có gốc rễ, vừa có cánh,” TS. Nguyễn Thu Hà, chuyên gia giáo dục tại Đại học Oxford chia sẻ. “Gốc rễ là kiến thức nền tảng vững chắc trong một lĩnh vực, nhưng cánh là khả năng liên kết, ứng dụng kiến thức đó vào nhiều bối cảnh khác nhau.” Mô hình “chữ T” trong phát triển kỹ năng đang được nhiều chuyên gia khuyến khích: chuyên sâu trong một lĩnh vực (trục dọc) nhưng đồng thời mở rộng hiểu biết ở nhiều lĩnh vực liên quan (trục ngang). Đây có lẽ là cách tiếp cận cân bằng giữa “một nghề cho chín” và “đa năng đa nghệ”.

Linh Vũ là sinh viên ở Leeds

Chuẩn bị cho tương lai không định sẵn

Những thanh niên cùng lứa thế hệ chúng tôi đã trải qua một thời kỳ đầy biến đổi của cách mạng công nghiệp và công nghệ cùng với chiến tranh kinh tế – thương mại và toàn cầu hóa. Chúng tôi cùng nỗ lực khẳng định bản thân khi bắt đầu bước vào thế giới người lớn, trở thành nguồn lao động chính, đứng trước nhiều hoài nghi khi thay thế các thế hệ ông bà, bố mẹ. Vậy trước một tương lai đầy biến động, những kỹ năng và tư duy nào thực sự cần thiết để trau dồi? Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, AI và tự động hóa đang thay đổi bản chất công việc. Những kỹ năng nào sẽ giúp chúng ta không bị thay thế?

1. Học cách học – kỹ năng quan trọng nhất

Trong thời đại mà kiến thức chuyên môn có thể nhanh chóng lỗi thời, khả năng học hỏi liên tục và hiệu quả trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Điều này không chỉ là việc tiếp thu thông tin mới, mà còn là khả năng “học cách học” – biết cách đặt câu hỏi đúng, tìm kiếm nguồn thông tin đáng tin cậy, và áp dụng kiến thức vào thực tiễn. Tôi đã phát triển thói quen đọc rộng, nghe podcast từ nhiều lĩnh vực, và tham gia các khóa học trực tuyến không liên quan trực tiếp đến chuyên ngành. Việc này không chỉ mở rộng kiến thức mà còn giúp tôi nhìn thấy những kết nối bất ngờ giữa các lĩnh vực khác nhau.

2. Tư duy phản biện và giải quyết vấn đề phức tạp

Máy móc có thể xử lý dữ liệu nhanh hơn con người, nhưng khả năng đánh giá, phân tích đa chiều và giải quyết những vấn đề phức tạp, mơ hồ vẫn là thế mạnh của con người. Đây là kỹ năng cốt lõi được phát triển mạnh trong môi trường giáo dục quốc tế, nơi sinh viên thường xuyên phải đối mặt với các tình huống không có lời giải đơn giản, đòi hỏi phải nhìn nhận vấn đề từ nhiều góc độ khác nhau.

Trí tuệ nhân tạo đang ngày càng phát triển, nhưng khả năng sáng tạo đỉnh cao – tạo ra những điều thực sự mới mẻ, đột phá – vẫn là đặc quyền của con người. Trong thời đại mà mọi thứ có thể sao chép, tự động hóa, thì những ý tưởng độc đáo mang dấu ấn cá nhân lại càng trở nên giá trị.

3. Trí tuệ cảm xúc và kỹ năng xã hội

Khả năng hiểu và quản lý cảm xúc, đồng cảm với người khác, xây dựng mối quan hệ sâu sắc – những điều máy móc khó có thể bắt chước con người một cách hoàn hảo. Trong môi trường làm việc toàn cầu, kỹ năng giao tiếp liên văn hóa và khả năng làm việc hiệu quả trong đội nhóm đa dạng trở nên cực kỳ quan trọng. Sinh hoạt trong những môi trường đa văn hóa đã dạy tôi cách lắng nghe sâu, tôn trọng quan điểm khác biệt, và điều chỉnh phong cách giao tiếp phù hợp với trường hợp và từng cộng đồng.

4. Tư duy mở và khả năng chấp nhận thay đổi

Có lẽ không có kỹ năng nào quan trọng hơn khả năng duy trì tư duy mở trong thế giới đầy biến động. Đây không chỉ là sự cởi mở với ý tưởng mới, mà còn là khả năng đón nhận sự không chắc chắn, thách thức quan điểm cá nhân và sẵn sàng thay đổi khi cần thiết. Carol Dweck, nhà tâm lý học nổi tiếng, đã phân biệt giữa “tư duy cố định” (fixed mindset) và “tư duy phát triển” (growth mindset). Những người có tư duy phát triển tin rằng khả năng có thể được phát triển qua nỗ lực, trải nghiệm và học hỏi từ thất bại – đặc biệt quan trọng trong thời đại mà kiến thức và kỹ năng nhanh chóng trở nên lỗi thời.

Du học và “bước ra thế giới” thời toàn cầu hóa

Vài thập kỷ trước, du học còn là khái niệm xa lạ với đa số người Việt. Ngày nay, con đường đến giảng đường quốc tế đã rộng mở hơn, nhưng cũng đặt ra nhiều câu hỏi: Du học để làm gì? Học ngành nào? Và sau khi học xong thì sao? Thực vậy, giá trị của việc du học đã vượt xa khái niệm truyền thống về “lấy bằng”. Trong thời đại số hóa, khi kiến thức chuyên môn có thể tiếp cận qua nhiều kênh khác nhau, thì những kỹ năng mềm như khả năng thích ứng văn hóa, tư duy phản biện và khả năng giải quyết vấn đề trong môi trường đa dạng mới thực sự là “hộ chiếu” để thành công. Nhìn lại hành trình du học của mình cho đến tận ngày hôm nay, tôi nhận ra rằng giá trị lớn nhất nằm ở những trải nghiệm không thể đong đếm.

1. Tư duy toàn cầu

Du học đã cho tôi cơ hội nhìn thế giới qua lăng kính đa chiều, hiểu được rằng không có giải pháp nào là tối ưu cho mọi bối cảnh văn hóa và xã hội. Tôi học cách tôn trọng sự khác biệt văn hóa, đồng thời nhận ra những giá trị phổ quát kết nối con người với nhau. Khi học tập trong môi trường quốc tế, tôi được tiếp xúc với nhiều góc nhìn khác nhau về cùng một vấn đề. Điều này giúp tôi phát triển tư duy phản biện mạnh mẽ hơn, không vội vàng kết luận hay áp đặt quan điểm cá nhân lên người khác.

2. Khả năng thích nghi và tự lập

Sống ở một đất nước xa lạ, tôi buộc phải tự lập và thích nghi với môi trường mới một cách nhanh chóng. Từ những thử thách đơn giản như tìm nhà, mở tài khoản ngân hàng, đến việc hiểu và tôn trọng những quy tắc văn hóa ngầm – tất cả đều rèn luyện cho tôi khả năng giải quyết vấn đề và tính linh hoạt. Những khó khăn ban đầu dần biến thành sức mạnh khi tôi nhận ra mình có thể xây dựng cuộc sống ở bất cứ đâu, với bất kỳ ai. Điều này đặc biệt quan trọng trong thế giới ngày càng biến động và không chắc chắn.

3. Mạng lưới kết nối toàn cầu

Một trong những tài sản quý giá nhất từ việc du học là mạng lưới bạn bè và đồng nghiệp quốc tế. Những mối quan hệ này không chỉ mở ra cơ hội nghề nghiệp mà còn là nguồn kiến thức, góc nhìn và cảm hứng vô tận. Khi làm việc trong các dự án nhóm với bạn bè quốc tế, tôi học được cách kết hợp những điểm mạnh của văn hóa khác nhau: tinh thần đổi mới và tư duy phản biện của phương Tây, cùng sự kiên nhẫn và tầm nhìn dài hạn của phương Đông.

4. Hiểu biết sâu sắc hơn về bản thân và quê hương

Có lẽ điều bất ngờ nhất là du học đã giúp tôi hiểu và trân trọng Việt Nam hơn bao giờ hết. Khi nhìn quê hương từ xa, tôi nhận ra những giá trị tuyệt vời trong văn hóa Việt: tình cảm gia đình, sự cần cù, và khả năng vượt khó phi thường. Đồng thời, tôi cũng nhìn nhận rõ hơn những điểm cần cải thiện: sự cứng nhắc trong phương pháp giáo dục, áp lực xã hội về định nghĩa thành công, hay nền văn hóa đôi khi ngại đổi mới và chấp nhận rủi ro.

Lựa chọn con đường cho bản thân

Trong thời đại có quá nhiều lựa chọn, việc tìm ra đam mê đích thực lại trở nên phức tạp hơn. “Đam mê không phải thứ bạn tìm thấy, mà là thứ bạn phát triển,” GS. Cal Newport, tác giả cuốn “So Good They Can’t Ignore You” từng viết. Thay vì chờ đợi một khoảnh khắc khai sáng, hãy thử nghiệm nhiều lĩnh vực khác nhau, phát triển kỹ năng và để ý những hoạt động khiến bạn cảm thấy hoàn toàn đắm chìm – trạng thái “flow” mà nhà tâm lý học Mihaly Csikszentmihalyi mô tả. Phương pháp “Design Your Life” của Đại học Stanford cũng đề xuất cách tiếp cận thực tế: thay vì cố gắng “tìm ra” đam mê, hãy xây dựng một “prototype” cho cuộc sống, thử nghiệm nó, rút kinh nghiệm và điều chỉnh – giống như cách các kỹ sư thiết kế sản phẩm.

Thời đại mới đặt ra thách thức về sự cân bằng giữa phát triển bản sắc cá nhân và khả năng làm việc nhóm hiệu quả. Nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng thực tế chúng bổ sung cho nhau. Trong môi trường làm việc toàn cầu, những đội nhóm thành công nhất thường là nơi mỗi cá nhân được phát huy tối đa thế mạnh riêng, đồng thời biết cách phối hợp những thế mạnh đó để tạo nên sức mạnh tập thể. Đây chính là tinh thần của “cộng đồng học tập” (learning community) được áp dụng tại nhiều trường đại học hàng đầu thế giới. “Văn hóa Phương Đông truyền thống đề cao tập thể, trong khi giáo dục Phương Tây nhấn mạnh cá nhân. Nhưng trong thời đại toàn cầu hóa, chúng ta cần học cách kết hợp ưu điểm của cả hai,” TS. Lê Thị Mai, giảng viên tại Đại học London chia sẻ.

Học tập suốt đời

Khi nhìn lại chặng đường đã qua, tôi nhận ra rằng học tập không chỉ diễn ra trong trường lớp mà ở mọi nơi, mọi lúc. Mỗi trải nghiệm, mỗi thử thách, mỗi cuộc gặp gỡ đều là một bài học quý giá. Du học đã dạy tôi biết học từ môi trường xung quanh, học từ những người khác biệt với mình, và quan trọng nhất, học từ chính những sai lầm và thất bại. Đây là quá trình suốt đời, không bao giờ kết thúc. Trong thế giới ngày càng biến động và không chắc chắn, khả năng học hỏi liên tục có lẽ là hành trang quý giá nhất mà du học đã trao cho tôi. Khi nhìn lại quyết định du học năm 18 tuổi, tôi vẫn thấy đó là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời mình. Đó không chỉ là quyết định về học vấn mà còn là quyết định về cách sống, cách nhìn nhận thế giới và xác định vị trí của mình trong đó.

Thời đại toàn cầu hóa và chuyển đổi số đã biến đổi hoàn toàn khái niệm về học tập và nghề nghiệp. Thay vì con đường thẳng từ trường học đến một công việc ổn định suốt đời, cuộc sống nghề nghiệp ngày nay giống như một hành trình phiêu lưu với nhiều ngã rẽ và khám phá bất ngờ. Dù bạn đang đứng trước ngã ba đường như tôi năm nào, hay đang băn khoăn về hướng đi tiếp theo trong sự nghiệp, tôi tin rằng không có con đường nào là hoàn hảo tuyệt đối. Mỗi lựa chọn đều mang đến những trải nghiệm và bài học khác nhau, và điều quan trọng là chúng ta học được gì từ những trải nghiệm đó.

Với những du học sinh và người trẻ Việt Nam, điều này vừa là thách thức, vừa là cơ hội. Thách thức bởi chúng ta phải liên tục học hỏi, thích nghi và đôi khi phải chấp nhận sự không chắc chắn. Nhưng đây cũng là cơ hội để định hình con đường riêng, không bị giới hạn bởi những khuôn mẫu truyền thống. Câu hỏi không còn là “Bạn muốn làm nghề gì khi lớn lên?” mà là “Bạn muốn tạo ra tác động gì trong thế giới này và sẵn sàng học những gì để làm điều đó?”. Hành trang tốt nhất không phải là một bộ kỹ năng cố định, mà là khả năng liên tục học hỏi, thích nghi và tái định hình bản thân trong một thế giới không ngừng thay đổi. Như một câu nói từ triết học phương Đông: “Cây trúc vững mạnh không phải vì nó cứng cáp, mà vì nó biết uốn mình trước gió.”

Vũ Nam Trang Linh (Linh Vu) hiện đang là sinh viên tại Leeds, England. Các bạn sinh viên, nghiên cứu sinh muốn chia sẻ cách nhìn về nền giáo dục và văn hóa Anh hãy liên lạc với BBT ở địa chỉ info@vietnewsuk.com.

 

editors

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *