Giới thiệu 5 cấp giáo dục ở Anh, Scotland và Bắc Ireland

Để giúp các bậc phụ huynh gốc Việt ở Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland biết thêm về hệ thống giáo dục của quốc gia mà các bạn đang sinh sống và có con cái đi học, Viet News UK xin giới thiệu tổng quan nền giáo dục nổi tiếng thế giới này, theo tư liệu của Chính phủ Anh:
Giáo dục Anh gồm 5 năm cấp: giáo dục mầm non, tiểu học, trung học, giáo dục nâng cao (FE) và giáo dục đại học (HE). Dù các nguyên tắc chung được thống nhất trên toàn Vương quốc nhưng tên gọi các văn bằng, kỳ thi sát hạch và chế độ quản lý giáo dục có khác biệt giữa các xứ hợp thành Vương quốc Liên hiệp: Anh và Wales, Scotland và Bắc Ireland.
Nét chung nhất là Anh áp dụng luật giáo dục phổ thông phổ thông, bắt buộc và miễn phí đối với tất cả trẻ em từ 5 tuổi (ở Bắc Ireland từ 4 tuổi) đến 16 tuổi.
Luật Anh tuy thế cấm giáo viên cưỡng bức học sinh phải học thêm để trục lợi.
Ngoài ra, cha mẹ có thể chọn giáo dục tư có chi phí (trường tư) cho con cái họ, hoặc chọn tự dạy ở nhà (home schooling) nhưng phải theo giáo trình của sở giáo dục địa phương.
Giáo dục sau 16 tuổi thì không bắt buộc và bao gồm các trường cao đẳng dạy nghề (thuộc hệ giáo dục nâng cao – Further Education-FE), và các trường, học viện cấp ngang đại học (High Education Institutes-HEIs).
Giáo dục đại học phải trả phí nhưng có khác biệt giữa các nước trong Liên hiệp: sinh viên tại Anh có thể vay tiền học phí tuition fee từ nhà nước, còn sinh viên ở Scotland được miễn phí.
Giáo dục cấp đại học và trên đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) được gọi chung là Giáo dục cấp cao hơn (Higher Education) dành cho thanh thiếu niên đã hoàn thành GCSE và A levels (dự bị đại học) hoặc đã có các chứng chỉ tương đương. Ngoài ra, giáo dục đại học và trên đại học còn mở ra cho mọi công dân không kể lứa tuổi và cho người nước ngoài.
Cơ sở giáo dục đại học và trên đại học do các đại học tổng hợp (universities) thực hiện, vì từ 2000 Anh bỏ tên các trường bách khoa, đổi, ghép những trường này thành ‘universities’.
Đa số các đại học Anh không phải trường tư mà là trường công, độc lập, được Bộ Giáo dục hỗ trợ ngân sách. Một số nhỏ đại học tư ở Anh có quy chế phi lợi nhuận hoặc vì lợi nhuận.
Về chi tiết, cả 5 cấp giáo dục trên cả nước là như sau, với sự khác biệt nhất định về các kỳ thi và bằng cấp ở Anh và Wales so với Scotland và Bắc Ireland.
1-Giáo dục mầm non (Early Years)
Tại Anh, kể từ tháng 9/2010, tất cả trẻ em từ 3-4 tuổi đều có quyền được hưởng 15 giờ giáo dục mầm non miễn phí trong vòng 38 tuần mỗi năm.
Cơ sở cho giáo dục mầm non được xác định tự do, gồm các trường, lớp mẫu giáo (mầm non) công lập, lớp học trong các trường tiểu học, và ở ngoài khu vực nhà nước như trường mẫu giáo do tình viên nguyên, nhà trẻ tư nhân hoặc người giữ trẻ có đăng ký tổ chức.
Điều bị phàn nàn tại Anh là giờ học mầm non quá ngắn và cha mẹ phải đón con về nhà sau 15:30 hàng ngày trong tuần, khiến việc trông trẻ trở nên một gánh nặng. Để so sánh, ở nhiều nước châu Âu, trẻ học mẫu giáo và mầm non ở lớp đến 17:30, khiến cha mẹ có thể đi làm full-time cả ngày rồi về đón con.
Chính phủ Anh gần đây cung cấp phiếu trông trẻ (childcare voucher-15 giờ/tuần) cho những gia đình cần thêm giờ trông trẻ ở trường nhưng đây không phải là giải pháp căn cơ, theo các báo.
2-Giáo dục tiểu học (Primary)
Đây là hệ cơ sở dành cho các em từ 5 tuổi đến 11 tuổi, nhằm mục tiêu dạy kỹ năng sơ đẳng: đọc viết và làm tính trong hai năm đầu (lớp vỡ lòng- reception class, và lớp một -Year I) để sau đó lên các lớp 2-3-4-5-6 có học các môn khoa học, toán học, họa, ca nhạc…và các môn thể dục đơn giản khác.
Ở Anh, giáo trình cho tiểu học cơ sở có hai giai đoạn cơ bản: Key Stage 1 (5-7 tuổi) và Key Stage 2 (8-11). Riêng ở Scotland, Key Stage 2 kéo dài đến năm các em 12 tuổi.
Trẻ em ở Anh và Bắc Ireland phải thi được đánh giá vào cuối Key Stage 1 và Key Stage 2 2. Ở xứ Wales, tất cả học sinh năm cuối của hai giai đoạn này chỉ nhận đánh giá của giáo viên, không phải thi.
Tiểu học ở Anh gồm các trường công lập, trường tư và cả trường do các giáo phận Anh giáo (Church of England-CoE) hay Công giáo (Roman-Catholic) lập ra nhưng theo chương trình của nhà nước. Một số trường nhỏ do các họ đạo của người Hồi giáo và Do Thái giáo tổ chức.
Nhìn chung, ở các trường này giáo viên, nhân viên ăn lương của Sở giáo dục trong địa hạt (council) vì đây không phải “trường đạo” như cách hiểu sai của một số người Việt Nam vì không liên quan gì đến các nhà tu. Học sinh không theo các đạo nói trên vẫn có thể xin vào học những trường ‘faith school” này.

3-Giáo dục trung học (Secondary)
Tại Anh, di sản lịch sử để lại một hệ thống giáo dục trung học rất đa dạng, gồm trường công lập (comprehensive), trường chuyên (grammar school- tên gọi là di sản của việc học ngữ pháp tiếng La tinh), và trường tư hoặc các “học viện” (academies) tự chủ về tài chính với các hội đồng địa phương. Ngoài ra, trung học ở Anh có thể được chia theo giới, thành trường nam sinh và nữ sinh.
Tại Anh, bên cạnh hàng chục nghìn trường “phổ thông trung học công lập” (comprehensive hiện có 163 trường grammar mà học sinh tiểu học phải thi kỳ thi ở tuổi 11 (11+ entry exams) thì mới được vào nếu đủ điểm. Scotland không có trường grammar nào, và trường công gọi là “high school”.
Tại Bắc Ireland, giáo dục sau tiểu học bao gồm 5 năm bắt buộc và hai năm tiếp theo nếu học sinh muốn ở lại trường để theo học lấy chứng chỉ GCSE / Level 2 cho đến Level 3. Xứ này chỉ có 50 trường grammar.
Thời thủ tướng Tony Blair, chính phủ Anh áp dụng quy chế “học viện” (academy) cho cấp trung học năm 2000 nhằm chỉnh đốn tình trạng học kém ở các trường công. Các academy có thể xin thêm tài trợ ngoài nhà nước và tự chủ hơn trong việc soạn giáo trình.
GCSE là chứng chỉ giáo dục phổ thông trung học, tương tự bằng tốt nghiệp cấp 3 ở Việt Nam, được cấp tại Anh, Wales và Bắc Ireland. Riêng Scotland cấp “Bảng điểm Tiêu chuẩn” (Standard Grades) và Chứng chỉ Quốc gia (National Qualifications-NQ). Tuy có tên gọi khác nhau, các bằng này đều cho phép học sinh học tiếp lên cấp trường nghề hoặc đại học.
4-Giáo dục nâng cao (Further Education)
Sau GCSE, học sinh có thể chọn các trường nghề, có tên chung là “giáo dục nâng cao tổng quát” (General Further Education-GFE). Người tốt nghiệp có chứng chỉ tay nghề cấp 4 (level 4).
Hệ thống trường nghề ở Anh được Quốc hội khuyến khích mở rộng phạm vi dạy và học để có các ngành như công nghệ thông tin, thiết kế kỹ thuật số…nhằm tăng số học sinh có kỹ năng hiện đại hơn trước. Cho tới gần đây, hệ thống này dạy các môn trong ngành xây dựng, bán lẻ, nông nghiệp, nghệ thuật (nhạc, khiêu vũ, thiết kế công nghiệp…).
Ngoài ra, học sinh có thiên hướng học thuật hơn có thể chọn học tiếp hai năm dự bị đại học, ở tuổi 16-19, gọi là ‘cấp 6’ (sixth form) để lấy điểm A-levels vào các trường đại học.
Các lớp Sixth Form được tổ chức ngay trong các trường trung học nhưng không còn phân biệt nam sinh và nữ sinh. Vì thế chuyện học sinh nam từ trường trung học nam sang học Sixth Form ở trường nữ và ngược lại là bình thường vì các em học riêng theo hệ A-levels riêng biệt với các lớp dưới.

5-Giáo dục đại học (Higher Education)
Anh quốc nổi tiếng có hệ thống giáo dục đại học chất lượng hàng đầu thế giới. Năm 1096, đại học Oxford được thành lập và là đại học lâu đời nhất trong thế giới nói tiếng Anh, “trẻ hơn” chút ít so với đại học đầu tiên của châu Âu là Bologna (1088, Ý).
Đại học Anh chia ra ba loại hình đào tạo:
1-Các khóa học sau đại học để cấp văn bằng cao hơn, ở cấp thạc sĩ, tiến sĩ (phân biệt ra khối nghiên cứu và giảng dạy); một số chứng chỉ và văn bằng (diploma) sau đại học ngắn hạn hơn (PGCE) và các bằng cấp chuyên ngành.
2-Giảng dạy và cấp bằng đại học (undergraduate degree hay Bachelor, diplomas) sau ba năm; các bằng hoặc chứng chỉ cho nghề giáo viên (teacher degree), bằng chuyên khoa cấp 1 (first degree) trong ngành y (nha sĩ, thú y …) để sinh viên học tiếp lên kèm thực tập.
3- Các khóa học cấp chứng chỉ tay nghề chuyên ngành ngang đại học cấp 5 như NVQ (National Vocational Qualitications) ở Anh và bằng tương đương ở Scotland (SVQ – level 5). Một số bằng chỉ ngang cấp 4 (HE diploma -level 4).
Nhìn chung sinh viên nước ngoài ít theo học các hệ này mà thường theo đuổi hệ cắp bằng Bachelor.
Các đại học ở Anh không chỉ là những cơ sở giáo dục có truyền thống đôi khi hàng trăm năm, mà còn là những trung tâm văn hóa, khoa học, thần học đại diện cho những gì tinh túy nhất của văn minh tiếng Anh.
Những trường lớn thường tập hợp trong một liên minh các đại học (federation) dù tên vẫn chỉ là ‘university’. Ví dụ University of London có 17 trường thành viên, University of Oxford có 43 học viện đại học (college), các viện nghiên cứu (institutes) và các trường dự bị đại học.
Một chi tiết cần biết là trong tiếng Anh ở Anh, chức danh hiệu trưởng (chancellor) của các đại học đôi khi được trao cho thành viên Hoàng gia, các vị có tước quý tộc trong House of Lords (Viện Nguyên lão- tức Thượng viện) và mang tính danh dự (titular), còn chức ‘hiệu phó’ (vice-chancellor) mới chính là hiệu trưởng điều hành trường.
Ví dụ ‘chancellor’ (hiệu trưởng danh dự) của Đại học London là Công chúa Anne, còn chức tương tự của ĐH Oxford là Lord Hague of Richmond, của ĐH Glasgow là Dame (Quý bà) Grainger.

Các bạn có câu hỏi gì về chủ đề này xin gửi email về địa chỉ: info@vietnewsuk.com. Ban Biên tập, gồm các giáo viên có chứng chỉ và các bằng cấp đại học và trên đại học tại Anh và Việt Nam sẽ cố gắng giải thích.
Xem thêm:
Phóng viên Viet News UK thăm ĐH Harvard, Mỹ