Họa sĩ Minh Đàm góp phần làm sáng lên hội họa màu nước ở Việt Nam

Họa sĩ Minh Đàm góp phần làm sáng lên hội họa màu nước ở Việt Nam

Họa sĩ Minh Đàm, quốc tịch Ba Lan, trở về quê hương Việt Nam sau đại dịch Covid và trở nên nổi tiếng với nhiều hoạt động như tổ chức triển lãm, workshop quốc tế về hội họa màu nước ở Việt Nam.

Được biết sang tháng 4/2025, anh sẽ làm trưởng nhóm FabrianoInAcquarello cho các hoạ sĩ đến từ 7 quốc gia: Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar, Brunei và Đài Loan sang Ý vẽ.

Trả lời phỏng vấn của nhà báo Nguyễn Giang cho Viet News UK, họa sĩ gốc Hà Nội chia sẻ cho người “ngoài ngành họa” biết về những hoạt động như thế này có ý nghĩa gì. Đầu tiên họa sĩ năm nay 41 tuổi, sống ở Warszawa, nói vì sao anh tìm đến hội họa màu nước.

Tôi sinh ra ở Hà Nội và năm 7 tuổi thì theo bố mẹ sang Ba Lan. Xuất thân của tôi là ngành kiến trúc, tôi đã tốt nghiệp thạc sĩ Khoa Kiến trúc ĐH Bách Khoa Warszawa, nhưng tôi lại đi theo nghề hội hoạ. Chuyên môn của tôi là hội hoạ màu nước (watercolour). Tôi cảm thấy màu nước gần gũi với người châu Á. Cũng có thể nói hội họa màu nước sinh ra ở châu Á và con đường của nó là đến châu Âu. Tôi cũng vậy, tôi sinh ra ở châu Á và đến châu Âu sinh sống. Tôi cảm thấy hội họa màu nước hợp với cá nhân tôi.

  • Anh bắt đầu quay lại Việt Nam vẽ và giảng dạy, tổ chức các cuộc dã ngoại cùng họa sĩ từ nhiều nước vẽ màu nước, từ bao giờ?

Tôi thực sự có động lực quay lại Việt Nam sau triển lãm cá nhân năm 2022 ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Đến tháng 6/2023 thì tôi quyết định trở lại Việt Nam một thời gian để vẽ, giảng dạy, trải nghiệm, giao tiếp với các họa sĩ Việt Nam. Hiện thì tôi đang thỉnh giảng tại Viện Đào tạo và Hợp tác Quốc tế, ĐH Kiến trúc Hà Nội, dạy môn đồ án kiến trúc gắn bó đến Phố Cổ Hà Nội và môn về thiết kế thị giác. Ngoài ra tôi thường xuyên vẽ tranh, tổ chức các cuộc triển lãm, các chuyến đi trực họa để đẩy phong trào hội họa màu nước ở Việt Nam lên và đồng thời cũng mời các họa sĩ nước ngoài đến Việt Nam để giao lưu và thông qua hội hoạ chia sẻ về văn hóa của mình. Ví dụ sự kiện VietnamInAcquarello “Sắc màu văn hoá” tại Văn Miếu-Quốc Tử Giám vào tháng 3/2024 do tôi đạo diễn, đã trở thành một triển lãm nổi bật với sự tham gia của 465 hoạ sĩ từ 60 quốc gia trên thế giới.

Văn Miếu Quốc tử giám Hà Nội trên poster về workshop do họa sĩ Minh Đàm tổ chức ở Poznan, Ba Lan

 

Minh Đàm và các đồng nghiệp họa sĩ quốc tế
  • Anh đã đi và vẽ nhiều nơi ở Việt Nam và Trung Quốc, rồi ở châu Âu, cảm nhận của anh về khung cảnh, con người mà anh đưa vào tranh có gì đặc biệt ở mỗi nơi?

Mỗi thời điểm, mỗi đất nước đều có một nét đẹp riêng. Nếu nói một cách tổng quát, về con người thì châu Á, Việt Nam, Trung Quốc thường bộc lộ nét dân tộc mạnh hơn, châu Âu thì tính cá nhân mạnh hơn. Về phong cảnh thì châu Âu là cảnh thiên nhiên trong lành, vẻ đẹp được bộc lộ bởi ánh sáng, những công trình kiến trúc vĩ đại… Tại Trung Quốc, Việt Nam thì vẻ đẹp bộc lộ qua màu sắc trên quần áo dân tộc, hay qua những ngôi làng cổ kính. Ánh sáng châu Á mơ màng,  mờ ảo nhiều hơn còn ở châu Âu sẽ sắc nét hơn.

  • Khi vẽ và dạy vẽ ở Việt Nam anh thấy sự khác biệt về trình độ, cảm thụ màu sắc ánh sáng và tay nghề giữa các họa sĩ Ý, Ba Lan và châu Âu nói chung với các cây cọ ở Việt Nam hay không?

Thực ra tôi có thấy sự khác biệt. Hiện nay tôi hoạt động ở hai mảng: giảng dạy về kiến trúc, đồ án phục chế Phố Cổ HN, ngoài ra tôi có tiếp cận tới các họa sĩ chuyên nghiệp, bán chuyên và nghiệp dư ở VN. Sự khác biệt trong ngành hội họa là các họa sĩ châu Âu họ sẽ thích những sự đột phá, họ sẽ tìm nét riêng, còn các họa sĩ VN muốn thể hiện những gì gắn bó tới truyền thống, đất nước và con người. Còn nói về tay nghề thì cá nhân tôi không thể đánh giá các họa sĩ chuyên nghiệp nhưng các họa sĩ nghiệp dư của Việt Nam thường vẽ tỉ mỉ, còn họa sĩ Ý thường tìm nét trừu tượng, mạnh dạn, rõ ràng. Họa sĩ Ba Lan thì mơ màng hơn, buông thả hơn một chút theo trường phái Đông Âu, theo phong cách giống hội hoạ thế kỷ 18-19.

  • Nếu có thì là gì, mặt mạnh và yếu của mỗi bên?

Nói về phong cách hội họa hai bên thì các họa sĩ châu Âu mạnh về những nét riêng, những sự bay bổng, bất ngờ, còn thế mạnh của các họa sĩ châu Á và Việt Nam là về mặt kỹ thuật, chỉn chu, tỉ mỉ. Nếu nói về phần yếu thì cũng tương đương như vậy. Các họa sĩ châu Âu có thể sẽ không có sự kiên nhẫn như hoạ sĩ châu Á, họ thường sẽ không nghiên cứu một chủ đề hay kỹ thuật qua lâu. Ngược lại, các họa sĩ châu Á vì quá coi trọng kỹ thuật nên họ thường thấy được bức tranh hoàn chỉnh trước khi họ bắt đầu vẽ và nó khiến mình ít thí nghiệm hơn, ít đột phá hơn trong quá trình sáng tác.

  • Cuối cùng anh có lời khuyên gì với các họa sĩ trẻ hơn ở Việt Nam?

Lời khuyên là hội họa, kiến trúc đều phải tìm được sự đam mê, hứng thú, động lực bên trong để sáng tác. Có thể nói là nếu các bạn trẻ tìm được cảm giác đói trong sáng tác thì các bạn sẽ thành công. Nếu mình cảm thấy đói thì sẽ không ngừng tìm tòi, sáng tác, phát triển. Một yếu tố nữa là nên không ngừng học hỏi, giao lưu, chia sẻ. Đó là khuyết điểm thấy được ở một số họa sĩ trẻ ở Việt Nam. Khi họ đạt được một trình độ nhất định, đủ để định nghĩa bản thân là một hoạ sĩ truyên nghiệp, thì họ đóng kín lại, ngừng tìm hiểu, chia sẻ. Hội họa màu nước đang trong giai đoạn phát triển rất nhanh. Các hướng đi, phong trào và kỹ thuật mới xuất hiện mỗi ngày. Nếu không tiếp tục tìm hiểu, mình sẽ bị tụt lại phía sau. Đấy là lời khuyên của tôi cho các họa sĩ trẻ ở Việt Nam.

  • Chúc anh và các dự án hội họa ở Việt Nam cũng như trên thế giới luôn đạt thành công cao nhất!
Vẽ ở Tràng An, Ninh Bình

 

Tranh Minh Đàm từ chuyến tới Phú Quốc
Họa sĩ Minh Đàm với họa sĩ nước ngoài và Việt Nam

 

Triển lãm của Minh Đàm sắp tới tại Ý

editors

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *