Mỹ áp ‘siêu thuế’ tới cả nghìn % lên pin mặt trời từ bốn nước ĐNA gồm Việt Nam

Hoa Kỳ vừa công bố mức thuế lên tới 3.521% đối với hàng nhập khẩu tấm pin mặt trời từ bốn quốc gia Đông Nam Á, theo các báo Anh.
Điều này xảy ra sau một cuộc điều tra bắt đầu cách đây một năm do một số nhà sản xuất thiết bị năng lượng mặt trời lớn yêu cầu chính quyền của Tổng thống Joe Biden khi đó bảo vệ hoạt động của họ ở Mỹ.
Các khoản thuế đề xuất – nhắm vào các công ty ở Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Việt Nam – là cách chính quyền Trump xử lý các cáo buộc về “trợ cấp từ Trung Quốc” và điều mà Mỹ nói là “hành vi bán phá giá các sản phẩm giá rẻ không công bằng” vào thị trường Mỹ.
Một cơ quan chính phủ Mỹ khác, Ủy ban Thương mại Quốc tế (International Trade Commission) dự kiến sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về các mức thuế mới vào tháng 6.
Các loại thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá, như các mức thuế này được biết đến, thay đổi tùy theo công ty và các quốc gia xuất xứ của hàng hóa.
Một số nhà xuất khẩu thiết bị năng lượng mặt trời ở Campuchia phải đối mặt với mức thuế cao nhất là 3.521% do việc bị coi là thiếu hợp tác với cuộc điều tra của Bộ Thương mại.
Các sản phẩm được sản xuất ở Malaysia bởi công ty Trung Quốc Jinko Solar phải chịu các mức thuế thấp nhất, chỉ hơn 41%.
Một công ty khác có trụ sở tại Trung Quốc, Trina Solar, phải đối mặt với mức thuế 375% cho các sản phẩm mà họ sản xuất tại Thái Lan.
Mức thuế chung các công ty Việt Nam phải chịu là 395,9% nhưng có bốn công ty Việt Nam chịu tổng thuế lên đến 813,92%, gồm 542,64% thuế chống trợ cấp và 271,28% thuế bán phá giá.
Một cơ quan chính phủ Hoa Kỳ riêng biệt, Ủy ban Thương mại Quốc tế, sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về các khoản thuế quan vào tháng 6 năm nay.
Năm 2024, vụ kiện được công ty Hàn Quốc Hanwha Qcells, công ty First Solar có trụ sở tại Arizona và một số nhà sản xuất bảng năng lượng mặt trời nhỏ hơn ở Hoa Kỳ đưa ra. Họ cáo buộc các công ty Trung Quốc có nhà máy ở Malaysia, Campuchia, Thái Lan và Việt Nam đã vận chuyển các tấm pin với giá thấp hơn chi phí sản xuất của họ, nhờ vào ‘trợ giá không công bằng’ của nhà nước.
Bối cảnh quốc tế và ‘cú sốc lớn’
Các báo Anh trong ngày 22/04/2025 đưa tin nói trên kèm tin về một hội nghị quốc tế về năng lượng ở London trong tuần này, tuy rằng hai vụ việc không có liên quan trực tiếp.
Theo báo The Guardian, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Fatih Birol, đã nêu ra những lo ngại về tương lai của an ninh năng lượng trước hội nghị thượng đỉnh với 60 quốc gia tại London vào thứ Năm và thứ Sáu mà ông đang chủ trì cùng với bộ trưởng năng lượng Anh, Ed Miliband.
Cùng ngày 22/04, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IFM) lần đầu nêu ra dự báo bi quan về kinh tế toàn cầu và hạ mức tăng trưởng dự kiến cho năm nay của nhiều nước, vì tác động của các chính sách thuế quan Tổng thống Donald Trump tung ra từ 02/04/2025.
Mức tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ bị IFM hạ từ 2,7% xuống 1,8%, của Anh từ 1,6% xuống 1,1%.
IMF gọi các chính sách của ông Trump là “cú sốc tiêu cực lớn” (major negative shock) với các nền kinh tế.
Xem thêm: Lắp pin mặt trời ở xứ sở sương mù như Anh có lợi không?