Ngành bào chế cần sa y tế ở Anh ‘làm ăn phát đạt’

Ngành bào chế cần sa y tế ở Anh ‘làm ăn phát đạt’

Một cảnh đường phố Anh- hình của Viet News UK chỉ có tính minh họa, không phải về câu chuyện trong bài.

Hai phóng viên của đài BBC ở vùng Bắc nước Anh Adam Clarkson và Alex Challies đã tới thăm xưởng bào chế cần sa y tế ở Sunderland, sáu năm sau khi loại dược thảo này được hợp pháp hóa để phục vụ ngành y.

Còn gọi là “cần sa dược phẩm” (medical cannabis), loại cây này được chính phủ Anh cho trồng hợp pháp từ ngày 18 tháng 11 năm 2018.

Đó là kết quả của một cuộc vận động kéo dài đòi nhà nước cho trồng cần sa hợp pháp làm thuốc điều trị cho trẻ em bị bệnh động kinh nặng.

Nằm ở gần sông Wear, vùng Sunderland của Anh, trung tâm bào chế dược phẩm từ cần sa hiện do công ty Curaleaf UK điều hành.

Từ sáu năm qua, nhân viên tại đây tăng từ 60 người lên 200 người và không chỉ cung ứng các loại thuốc từ cần sa cho Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) ở Anh, mà họ còn xuất khẩu.Việc làm ăn tại đây rất khả quan, theo bài báo của BBC từ North England và Cumbria.

Tuy thế, vì điều kiện khí hậu, công ty không trồng cần sa ở Anh mà nhập về từ một cơ sở đối tác tại Bồ Đào Nha.

Các nhà báo Anh đã tới thăm khu trang trại với 7 khu nhà kính rộng tổng cộng 20 nghìn m2 gần Lisbon, thủ đô Bồ Đào Nha.

Mỗi khu nhà thu hoạch lượng cannabis từ 7.500 cây một năm, có giá trị trên thị trường là 4 triệu USD ((£3,12 triệu bảng Anh).

Bài báo của BBC (27/11/2024), cho hay ngay tại vùng Suderland có nhiều bệnh nhân nay dùng ‘dược phẩm chiết xuất từ cannabis’ để làm dịu các cơn đau kinh niên. Để nhận được thuốc, họ phải được bác sĩ trong hệ thống NHS cấp đơn.

Tính đến năm 2022, báo chí Anh nói nước này có một thị trường người dùng cannabis không nhỏ: 2,6 triệu, với thị trường cannabis của Anh trị giá chừng 900 triệu bảng (1,1 tỷ USD) một năm.

Trước năm 2018, vì cần sa bị nhà chức trách coi là ma túy, bị cấm trồng ở Anh, một số người trong số các bệnh nhân ở Sunderland phải trồng hoặc mua lậu.

Hiện nay, theo luật sửa đổi, cần sa vẫn là độc dược bị cấm thuộc bảng B (illegal Class B drug) và việc trồng lậu, buôn bán vẫn bị phạt tù tới 5 năm. Nhà nước chỉ cấp giấy phép cho một số công ty trồng hợp pháp, có kiểm soát.

Cần sa chỉ hợp pháp ‘nửa vời’ trên thế giới

Hiện quy định về cần sa vẫn rất khác nhau trên thế giới.

Đa số các vụ trồng, buôn bán cần sa tại Anh bị xét xử theo hai quy định là Luật về sử dụng ma túy trái phép (Misuse of Drugs Regulations 2001), và Lệnh 2015 (Order 2015).

Các văn bản pháp lý này coi mọi hành vi liên quan đến trồng cây cần sa không có giấy phép của Bộ Nội vụ và sử dụng chế phẩm từ cần sa không có giấy y tế ở Anh là phi pháp.

Trong khi đó, Canada, Thailand và  Uruguay đã hợp pháp hóa việc trồng thương mại và bán các sản phẩm từ lá và tinh dầu cần sa.

Từ 2022, Thái Lan hy vọng tự do hóa việc tiêu thụ cần sa sẽ thúc đẩy du lịch. Một số quán ăn ở Bangkok, Thái Lan còn mời khách món trứng tráng với lá cần sa non, và trong nhiều siêu thị có đồ uống pha cần sa nồng độ nhẹ.

Tuy thế, đến giữ năm 2024 lại có tin nói chính phủ Thái Lan sẽ hạn chế việc dùng cần sa giải trí mà chỉ cho phép dùng dược phẩm có gốc cần sa.

Tình hình ở Mỹ thì hơi khác, với 38 tiểu bang và 4 vùng lãnh thổ cùng Đặc thu thủ đô (D.C.-District of Columbia) đã hợp pháp hóa việc dùng cần sa y tế nhưng việc trồng thì bị kiểm soát. Chỉ một số công ty được cấp giấy phép trồng cannabis.

Hà Lan là nước châu Âu đầu tiên chấp nhận cho bán cần sa ở các tiệm cà phê. Việc trồng số lượng nhỏ để cá nhân sử dụng không bị cấm.

Hình quảng cáo thực phẩm từ cannabis ở Thái Lan

editors

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *