Người Việt cao niên ở Anh quốc nên ở với con cháu hay vào care home?

Phóng viên Việt News UK đã theo chân các bạn bè tại nhà thờ và công ty cung ứng thực phẩm cho bếp ăn của các trại dưỡng lão (care home ) ở Nuneaton, Hull và thị trấn Redcar, Horn-on-Sea ở hạt Yorkshire, Anh quốc trong dịp Xuân 2025. Phóng viên xin chia sẻ những điều mắt thấy, tai nghe và một số điều cần tâm sự:
Câu nói “tiền nào của nấy” thật đúng trong ngành phục vụ người già trong các nhà dưỡng lão ở Anh, nơi có hàng triệu cụ già đang sinh sống.
Không chỉ những cụ già yếu đuối ở giai đoạn cuối đời, mà còn rất nhiều bác vẫn còn trẻ, chưa đến 75 tuổi nhưng chọn ở Care Home để tránh làm phiền con cháu và được tận hưởng dịch vụ chăm sóc tối ưu. Một căn hộ trong khu care home được trang bị đầy đủ phòng ngủ, phòng khách, bếp và phòng tắm. Các cụ có chuông máy, đeo trên cổ hoặc để trong túi xách, để khi có vấn đề hay ngã, chỉ cần ấn chuông là y tá sẽ đến ngay.
Tôi khá ngạc nhiên khi thấy có người Việt ở đây. Một cụ chia sẻ: “Các con đưa sang đây, chúng đi làm cả ngày, mình trông cháu cũng không phù hợp, đưa đón cháu đi học thì lại không biết tiếng Anh đôi khi cháu nó vùng vằng, rồi chẳng may bị ngã nên tôi chọn ‘care home’.”
Cụ nói tiếng Anh rất lưu loát, và còn biết cả tiếng Pháp nhờ thời trẻ đã đi làm ở châu Âu. Cụ khuyên rằng cha mẹ thông minh là không nên sống chung với con cái. Trong khu này, các cụ được tham gia thể dục, sinh hoạt khoa học, sức khỏe cải thiện rõ rệt, ít ốm vặt. Khu vườn đẹp, có nhiều hoạt động như chơi bài, chơi cờ, giao lưu bạn bè. Mỗi tuần có các buổi giải trí, tháng một lần còn có đi xem ca nhạc, ca kịch, học hỏi được bao điều mới lạ. Dù ở quê nhà cụ từng nghe về Wolfgang Mozart, nhưng chưa bao giờ được xem trình diễn nhạc giao hưởng.
Cụ kể: “Về chuyện ăn uống, giờ tuổi đã cao, tôi chỉ ăn rau luộc, cá, lườn gà nên cũng không còn nhớ cơm Việt Nam đậm đà mắm muối nữa. Chế độ dinh dưỡng thanh đạm giúp tôi khỏe mạnh, và đường huyết ổn định là điều quý báu nhất đối với người già. Còn về các cháu, cuối tuần chúng vào thăm và đưa đi chơi là đủ.”
Nỗi lo của người cao niên gốc Việt ở Anh
Một nỗi lo lắng của tôi là nhiều cụ già Việt Nam sang đây theo con cái, mà nếu muốn vào viện dưỡng lão thì tiếng Anh không đủ để giao tiếp thì sẽ ra sao? Cụ Hòa (xin phép không nêu tên thật) tâm sự rằng khi vào đây, cụ chưa biết tiếng Anh câu nào. Nhưng nhờ chào hỏi hàng ngày, giờ cụ đã có thể giao tiếp đơn giản trong viện, biết chỉ lên chỗ đau khi y tá hỏi.
Các cụ Việt Nam không muốn sống cùng con cháu và lại chọn vào viện dưỡng lão thì thực sự rất thoải mái, theo như cụ nói. Về chi phí, cụ cho biết, do không có nhà ở đây, lương hưu không có vì đã được con cái bảo lãnh về đoàn tụ, nên nhà nước chi trả 100%.
Qua trao đổi với y tá tại viện, tôi nhận thấy các y tá rất vui vẻ, ngọt ngào và dịu dàng, đúng là những thiên thần. Họ pha trà, dọn dẹp nhanh và khen các cụ Việt Nam không cằn nhằn, mà luôn vui vẻ, vì vậy họ thường muốn làm việc với các cụ người Việt.
Giá cả ở các nhà dưỡng lão (care home) tại Anh rất đa dạng. Những nhà đẹp thì phí đắt. Giải thích về phí, nếu người già còn tiền, họ phải dùng lương hưu, thậm chí bán nhà của mình để trang trải chi phí chăm sóc cho đến khi còn lại 16,000 bảng thì mới bắt đầu được nhận trợ cấp.
Bác Hòa vui vẻ nói rằng cần phải là một người già thông thái, không đợi đến lúc nước đến chân mới nhảy, mà phải chuẩn bị cho tuổi già của mình.
Khi nói về việc nếu một ngày nào đó không còn, bác và các cụ Việt Kiều khác đều mong muốn được nằm lại ở Anh, vì ở đây con cháu thăm viếng đều đặn. Ngược lại, việc trở về quê hương, không chắc các cháu sẽ về thăm lúc bận rộn.
Bà Karen, bạn của tôi, làm trong ngành thịt và đã giao thịt cho Care Home hơn mười năm nay, đã cho tôi vào xem khu bếp. Khu bếp hiện đại, các đầu bếp mặc đồng phục sạch sẽ, chuẩn bị các món ăn đúng tiêu chuẩn như phục vụ trong nhà hàng. Trong thực đơn hôm tôi đến có món đùi cừu hầm rượu vang Pháp, súp ngô, lườn gà, rau luộc, rau củ hầm, và tráng miệng là bánh phô-mai (cheese cake) và pudding cho các cụ lựa chọn.
Tôi biết chắc chắn một điều, khi ngoài bảy mươi tuổi, con cái ở xa, tôi nhất định sẽ chọn vào Care home. Bà Karen, bạn tôi, cũng sống một mình, đã làm việc giao thịt cho các dưỡng lão đường mười mấy năm rồi, nên bà khẳng định rằng khi không còn tự chăm sóc được bản thân, chắc chắn bà sẽ vào đây.
Được biết bác Hòa, một cụ bà, đang trả 760 bảng một tuần cho việc chăm sóc. Bác cho biết, với các con có tiệm, có công việc phải đi làm 6 ngày một tuần thì việc cha mẹ vào đây rẻ hơn nhiều so với việc thuê một người giúp việc Việt bao ăn ở với giá 500 bảng một tuần, mà chưa chắc người giúp việc đó đã biết cách chăm sóc người già và có thể đưa bác đi chơi bằng Ô tô.
Bác cũng đã từng có người giúp việc ở nhà, nên sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng, giờ bác cảm thấy hạnh phúc như chưa bao giờ hạnh phúc hơn. Tôi kiểm chứng thông tin rằng giá có nơi khoảng 157 bảng một ngày, nơi thì có giá rẻ hơn, nơi thì đắt hơn, tùy thuộc vào tiện nghi. Nhưng cũng không cần lo lắng nhiều, vì nếu không có tiền, nhà nước sẽ chi trả đủ. Hiện tại, nước Anh đang thiếu y tá, nên có nhiều nơi phải chờ đợi khá lâu để được vào trại dưỡng lão.
Biết rằng bà Karen và tôi ghé thăm, cụ M người Việt đã mời chúng tôi ở lại ăn trưa cùng ông. Căn hộ của cụ có bếp và hai phòng ngủ. Việc được ở căn hộ hai phòng ngủ là vì cháu gái thỉnh thoảng đến thăm và ngủ lại. Gian bếp tiện nghi như mọi gian bếp của người Anh, với đầy đủ tiện ích cần thiết.
Bác M nói giờ thì ở tạm đây, chứ trong lòng vẫn muốn về Việt Nam. Nhưng chỉ sợ con cháu không về thăm được hàng tuần. Cụ cũng có ý kiến rằng các cụ đã cao tuổi mà con cái định cư ở nước ngoài thì hãy xem xét kỹ khả năng ví dụ là phương án A tìm trại dưỡng lão ở Việt Nam và tìm người giúp đỡ mình. Đi sang đoàn tụ cùng con cháu để vào trại dưỡng lão hãy để là phương án B. Ở đâu cũng có điểm tốt , ở đâu cũng có điểm hạn chế đấy, đừng đứng núi nọ trông núi kia cao.
Tôi xin được trích dẫn ý kiến của cụ Hòa như một đoạn kết, cụ mong con cháu đừng cảm thấy ngại ngùng về việc tại sao bố mẹ không ở cùng mà lại vào care home, đừng sợ rằng bạn bè của các cháu sẽ cười chê. Thật ra, cha mẹ chỉ cần được thoải mái tự do ở những ngày cuối đời. Chúng tôi không cần thiết phải bó buộc vào trách nhiệm lau dọn nhà cửa hay chăm sóc cháu. Cái mà chúng tôi cần là sự thanh thản, không phải lo lắng về căn nhà, về bữa cơm hay cái nhìn của con dâu, con rể.
Như cụ nhấn mạnh, trên đời có rất nhiều con cái hiếu thảo, việc bạc đãi cha mẹ già hay tranh giành tài sản chỉ là số ít, và những điều đó ở đâu cũng có. Hơn hết, điều mà chúng tôi mong muốn là được sống với sự tự do và yên bình trong những năm tháng cuối đời.
Hương Keenleyside viết từ Yorkshire