Người Việt ở Anh hãy tiếp tục vươn lên cùng nghề nail

Bà tổ nghề phát minh ra cách làm móng tay giả hay làm nails là minh tinh Holywood, Tippi Hedren khởi xướng những năm cuối thập kỷ 70 để giúp người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ sau đó lan sang châu Âu và các lục địa khác trong vòng hơn 20 năm qua.
Doanh số của thị trường làm móng ở Mỹ tùy theo báo cáo vào khoảng 8-25 tỷ US$ một năm, trong lúc tại UK, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha được ước tính từ 0.5-2 tỷ US$ một năm tùy nước.
Các thị trường khác hiện không sẵn số liệu nhưng trào lưu từ chơi móng giả đã trở thành nhu cầu như quần áo và trang sức nên phụ nữ sẵn sàng bỏ số tiền đủ mua một đôi giày đắt tiền để làm bộ móng tay để chơi trong vòng 2-3 tuần.
Một số giai đoạn của “nền kinh tế nhỏ Việt Nam tại Anh”
Riêng ở Anh, để có ngày hôm nay, cộng đồng người gốc Việt làm móng tại đã phải trải qua bao thăng trầm, bi kịch và có thể nói không ngoa rằng sự phát triển nghề làm móng tại Anh (United Kingdom-UK) cũng là con đường cho số rất đông của cộng đồng gốc Việt ở đây đi tìm diện mạo của chính mình.
Trước năm 2001, bước qua các căn hộ, hay nhà riêng, nơi các gia đình người Việt sống, có hai thứ tiếng vọng ra tới nửa đêm, đó là tiếng máy khâu làm hàng may cho các đại công ty may mặc và tiếng kéo băng dính kẽo kẹt đóng hàng gửi về tiếp tế cho gia đình, họ hàng tại Việt Nam.
Sau 2001, Trung Quốc ra nhập WTO và tất cả hàng may và hãng xưởng chạy sang Đại lục, đẩy người Việt vào cảnh bơ vơ vì mất một công việc ổn định, tuy vất vả nhưng thu nhập rất tốt nếu làm không kể ngày đêm như ở cố hương.
Mất nghề may, người Việt loay hoay làm đủ các nghề dịch vụ khác nhưng thu nhập suy giảm mạnh và trong cơn vật vã đó, người Việt ở Anh đã sang Mỹ học từ người Việt nghề làm móng và trở về. Trong khi đó một số khác đã sang Canada học nghề ‘trồng cỏ’ để rồi bị coi là phạm pháp. Nghề làm quán ăn, bánh mì cũng bắt đầu nổi lên.
Cùng với áp lực tìm ra những việc làm thay thế, làn sóng người tìm đến Anh lần thứ hai bắt đầu, góp vào cộng đồng này hàng chục ngàn người, với đủ các thể loại. Trong số họ có như nhập cư hợp pháp, di dân cả từ các nước châu Âu tới, lẫn nhập cư trái phép (bằng xe thùng, thuyền nhỏ), và có cả dạng hôn thê, thăm thân hết hạn ở lại, rồi tới du học sinh hợp pháp, thêm vào cộng đồng người Việt tại Anh từ năm 2000.
Dân số trẻ đem lại sức sống cho nghề nail
Có thể nói, chính sự “bùng nổ dân số” trẻ này đã khiến người Việt chiếm lĩnh hầu hết thị trường làm móng ở Anh sau khoảng 10 năm.
Trải qua hơn 20 năm, người Việt đã ‘phủ móng’ toàn UK dịch vụ làm nails khi họ phát huy kỹ năng thủ công khéo léo, thích nghi tốt với sự thay đổi liên tục các kiểu chất liệu, phương pháp và kiểu dáng đồng thời chịu khó làm việc với cường độ cao trong hầu hết các ngày trong tuần nên giờ nói đến làm móng, người bản địa ngầm hiểu đó là đến tiệm người Việt.
Hiện nay, thống kê có tới hơn 10 nghìn tiệm làm móng ở Anh mà đa phần là của người Việt với thu nhập khá tốt tùy thuộc vào tay nghề và chất lượng phục vụ khách hàng, chứng tỏ xã hội Anh đã có kinh nghiệm và xem nghề làm móng như muôn vàn nghề nghiệp hợp pháp và hữu ích khác trên đất nước này.
Theo đánh giá và quan sát của tác giả bài viết, thu nhập của thợ làm móng hiện nay có thể lên tới £800-900 một tuần. So với thợ sửa ô tô tại các garage, được xem là một nghề tốt và quan trọng tại các nước phát triển, chỉ mang về £600-700 một tuần, thì nghề nail có thể nói là nhẹ nhàng hơn nhiều.
Về cơ cấu ngành nghề, phái đẹp ở Anh ai cũng đều có bộ móng tay để chăm chút, nhưng không phải tất cả đều lái xe hay sở hữu xe ô-tô.
Thế nhưng, người Việt không được ngủ quên trong sự thịnh vượng hiện có mà cần phải thích nghi với việc thế hệ tiếp theo ngày càng học hành thành đạt sẽ làm các nghề nghiệp khác trong khi nguồn lao động bắt nguồn từ di trú bất hợp pháp ngày càng bị ngăn chặn và khó được ân xá.
Hơn nữa, kẻ thù lớn nhất của một số người Việt chính là gốc gác còn thấp về văn hóa ứng xử và kinh doanh, thói chộp giật, thiếu lòng tin vào các giá trị. Nói đơn giản nhất thì có những người Việt thừa kiên nhẫn để làm việc quên ăn từ 9h sáng tới 7- 8h tối nhưng rất nhiều thợ người Việt thiếu kiên nhẫn và văn hóa để hiểu rằng làm dịch vụ là phải có nghĩa vụ đối xử tử tế và lịch thiệp với khách hàng trong xã hội văn minh.
Để đổi lại dịch vụ có chất lượng văn hóa cao như thế, bạn mới có quyền yêu cầu khách hàng trả giá xứng đáng. Vấn đề nhức nhối chính là nhiều doanh nghiệp móng tay người Việt tự hại mình và cộng đồng nghề móng xung quanh bởi cuộc thi đua hạ giá, cùng kéo nhau xuống đáy.
Trong tương lai, thiết nghĩ với kinh nghiệm quản lý và phục vụ trong các doanh nghiệp làm móng, người Việt thế hệ tiếp theo có ngôn ngữ, văn hóa và tri thức bài bản hơn, chắc chắn phải chủ động tham gia vào việc thuê mướn và đào tạo người bản địa, sử dụng nhiều công nghệ tự động hóa như một xu thế bắt buộc.
Tất cả những bước tiến bộ này mới khiến tăng năng suất trong nghề nail và qua đó, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp của nghề.
Và để con cháu mình bén rễ ở Anh, cần có tư duy làm ăn đàng hoàng, đóng thuế và đóng góp vào nền kinh tế nước chủ nhà, vào các hoạt động nâng cao vị thế của người Việt nói chung. Có như thế chúng ta mới vươn lên được cùng ngành nghề đã tạo nên cơm áo cho người Việt trên mảnh đất Anh rất bao dung này.
Bài thể hiện quan điểm riêng của David Hoàng từ Oxfordshire, Anh Quốc.
3 bình luận trong “Người Việt ở Anh hãy tiếp tục vươn lên cùng nghề nail”