Nữ văn sĩ Quỳnh Dao (1938-2024): Cuộc đời và Sự nghiệp

Nữ văn sĩ Quỳnh Dao (1938-2024): Cuộc đời và Sự nghiệp

Nữ văn sĩ Quỳnh Dao, tác giả ‘Dòng sông ly biệt’ tự sát ở Đạm Thủy, thuộc Tân Bắc, Đài Loan hôm nay 04/12/2024.

Sang ngày thứ Năm 05/12, cơ quan chức năng ở Tân Bắc công bố kết quả khám nghiệm tử thi sơ bộ, kết luận nhà văn tử vong do ngạt thở vì ngộ độc khí carbon monoxide.

Các báo địa phương trích lời di chúc của bà, dặn con không đăng cáo phó, không làm lễ truy điệu, không lập linh đường, không đốt vàng mã như phong tục thường thấy của người Trung Hoa. Nhà văn tự tử ở tuổi 86 viết: “Cái chết là việc riêng, đừng làm phiền người khác, càng đừng làm phiền những người yêu mến mẹ.”

Từ năm 2019, sau khi chồng thứ hai của bà chết vì bệnh mất trí nhớ với nhiều năm cuối phải ăn qua ống, Quỳnh Dao đã kêu gọi chính quyền Đài Loan chú ý đến quyền được sống và được chết có nhân phẩm. Nay thì bà chọn cách ra đi nhẹ nhàng, không vướng bận ai.

Như thế, chính thức là bà Quỳnh Dao, nữ sĩ của văn học lãng mạng tiếng Hoa, tác giả của nhiều tác phẩm như Hoàn châu cách cách, Tân dòng sông ly biệt, Xóm vắng, Bên dòng nước, Trâm hoa mai, Không phải hoa chẳng phải sương…đã tự tử tại nhà riêng hôm và nhà chức trách sẽ không điều tra thêm và trả lại tử thi cho gia đình lo mai táng.

Nhà văn Đài Loan nổi tiếng ở châu Á

Sinh năm 1938 ở Thành Đô, Tứ Xuyên, bà được gia đình đưa sang Đài Loan cùng chính quyền Trung Hoa Dân quốc thua trận trong Nội chiến vào năm 1949. Phải đến năm 1988 bà Quỳnh Dao mới có thể lần đầu thăm Trung Quốc. Bà học trung học ở Đài Bắc và bắt đầu viết truyện ngắn đăng báo năm 18 tuổi.

Trong thời kỳ trước khi Trung Quốc mở cửa, văn chương ngôn tình của bà được rất nổi tiếng ở Đài Loan, Hong Kong, Singapore và Nam Việt Nam.

Theo các báo tiếng Việt ở Mỹ, ông Liêu Quốc Nhĩ là người đã dịch sang tiếng Việt “Song Ngoại, cuốn truyện đầu tiên của Quỳnh Dao được in và phát hành tại Saigon bởi nhà xuất bản Hàn Thuyên vào năm 1970. Từ đó, hiện tượng truyện Quỳnh Dao đã chiếm lĩnh thị trường văn chương diễm tình của miền Nam Việt Nam.

Độc giả tiếng Anh làm quen với truyện của Quỳnh Dao qua bản dịch của Mark Wilfer. Không chỉ viết truyện, bà còn làm biên kịch cho nhiều phim chuyển thể từ tác phẩm của mình và được báo Mỹ gọi là Nữ hoàng phim bộ (Queen of romance novels).

Bến thuyền Đạm Thủy, Đài Loan - ảnh của Viet News UK
Bến thuyền Đạm Thủy, Đài Loan – ảnh của Viet News UK

Bà đã sáng tác hơn 56 bộ tiểu thuyết, trong đó 17 bộ dựng thành phim truyền hình và điện ảnh. Nếu tính cả tiểu thuyết và truyện ngắn thì bà để lại một di sản đồ sộ, hơn 100 bộ sách.

Trang Trạm Đọc (Read Station) ở Việt Nam hồi 2019 có bình luận về văn của bà như sau:

“Hầu hết các tác phẩm văn học của Quỳnh Dao đều có những mối tình sướt mướt. Các nhân vật nữ trong tác phẩm của bà đều bị động, khô héo dưới chế độ cũ. Họ chỉ tươi tắn và đầy sức sống khi có tình yêu thấm nhuần.

Nhất là khi ở dưới chế độ phong kiến cũ, địa vị của người phụ nữ rất thấp kém và thế giới tình cảm của họ rất hạn hẹp, thậm chí bị đè nén. Thế giới văn học của Quỳnh Dao là con đường duy nhất giúp họ được giải thoát và tự do, bùng mở mọi tâm tư, tình cảm và những bí mật thầm kín nhất.

Rất nhiều phụ nữ đã coi tác phẩm của Quỳnh Dao như một phần của cơ thể họ, là cuốn sách gối đầu giường.”

Cùng lúc, có những lời phê bình rằng văn của bà “thiếu chiều sâu”, xây dựng nhân vật đơn giản và bi lụy.

Sách của bà khi dịch sang tiếng Anh không được đón nhận nồng nhiệt như ở châu Á. Báo chí Đài Loan và Trung Quốc sau này chú ý đến các cuộc hôn nhân của bà và một số điều tiếng liên quan.

Nữ hoàng phim bộ Trung Hoa ‘yêu và sống hết mình’

Nhiều phim bộ Trung Quốc đã đưa lên màn ảnh truyền hình những chuyện tình ngang trái từ văn chương Quỳnh Dao, và tạo ra nhiều siêu sao điện ảnh như Lã Tú Lăng, Lâm Thanh Hà, Tô Hữu Bằng, Châu Kiệt, Lâm Tâm Như, Triệu Vy và nhất là Phạm Băng Băng.

Vẫn theo bài của Trạm Đọc, “hầu hết trong số 50 bộ tiểu thuyết của bà đều được chuyển thể thành phim và đều rất thành công. Suốt hơn 20 năm qua, “phim Quỳnh Dao” đã trở thành một thương hiệu sáng giá, tạo nên một thần thoại không gì có thể lặp lại trong lịch sử điện ảnh Đài Loan. Hầu hết các đạo diễn lớn của đại lục, Hong Kong và Đài Loan đều từng cộng tác với bà như Hầu Hiếu Hiền, Lý Hành… Miêu tả tình cảm tinh tế, câu chuyện tình yêu đời thường, cảm động, lấy được nước mắt của khán giả… là nét đặc trưng chung trong các phim của Quỳnh Dao.”

Trong thư vĩnh biệt mà con trai bà công bố hôm chiều thứ Tư 04/12 trên truyền thông Đài Loan, bà Quỳnh Dao tự chọn cách vĩnh biệt cuộc đời với câu, “Tôi đã sống và chưa bao giờ để cuộc đời phải thất vọng!”

editors

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *