Nước Anh: Ngân hàng ‘Cha Mẹ’, thanh niên mua nhà và tiền thừa kế

Nguyễn Giang viết:
Đầu tháng 5 năm nay, các báo Anh trong những bài về kinh tế và lãi suất ngân hàng – dự kiến sẽ được cắt lần nữa – có nêu một con số thống kê mà tôi thấy là thú vị về văn hóa-xã hội.
Đó là trong năm 2024, 52% số người trẻ mua căn nhà đầu tiên (first-time buyers) ở Anh đã nhận được sự trợ giúp tài chính của cha mẹ.
Tổng số tiền này ở Anh năm ngoái lên tới 9,4 tỷ bảng, tạo ra cái người ta gọi là “ngân hàng cha mẹ” – the bank of mum and dad – một cụm từ cũng khá quen thuộc ở Việt Nam.
Số liệu ở Anh còn nói vào năm 2023, có 57% số bạn trẻ mua bất động sản đầu tiên nhờ tiền cha mẹ và thân nhân (other donors – thường là ông bà).
Hồi năm 2009 khi có khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì tỷ lệ này là 70%.
Tức là người ở Anh nói chung vẫn có văn hóa đùm bọc, chia sẻ và tiết kiệm tiền để giúp cho con cái “đặt chân lên bậc thang bất động sản”.
Thời kỳ kinh tế khó khăn thì sự trợ giúp lại càng cao, theo các thống kê trên.
Bởi sở hữu căn nhà đầu tiên ở bất cứ đâu đều vô cùng quan trọng nhưng ở Anh còn quan trọng hơn vì các cháu bước vào đời mà không mất 1/3 thu nhập hàng tháng đi thuê chỗ ở, và có được một lớp đệm đỡ cho các cú sốc tài chính khác.
Thế mà hồi chưa sang đây tôi từng nghe câu chuyện người ở các nước Phương Tây có văn hóa cho con dọn đi khỏi nhà lúc 18 tuổi. Lối sống của họ là đề cao sự tự lập và con cái đến tuổi trưởng thành thì tự đi nơi khác mà sống, tự lo thân, đừng ăn bám, tôi nghe nói thế.
Ta hãy xem cả hai vế của câu chuyện này – trợ giúp con cái mua nhà, để lại thừa kế cho con cháu, và đuổi con ra khỏi nhà năm 18 tuổi, có đúng không nhé.
Để trẻ 16 tuổi ra khỏi là là ngoại lệ, 18 tuổi là đúng luật
Về mặt luật pháp, Anh chỉ yêu cầu cha mẹ (hoặc người giám hộ) có trách nhiệm phụ huynh với con cái đến đúng năm 18 tuổi.
Trang web của chính phủ, ‘Quyền và Trách nhiệm Cha mẹ’ (Parental rights and responsibilities) nói rất rõ rằng dưới tuổi 18 thì cha mẹ có một loạt trách nhiệm, từ việc đặt tên, đăng ký tên cho con, nuôi ăn ở, cho đi học, đảm bảo kỷ luật (tức là phạt con-disciplining children), chăm sóc sức khỏe.
Mọi nghĩa vụ đó chấm hết ở tuổi 18 và người ta hoàn toàn có thể yêu cầu con ra khỏi nhà (ask your children to leave home) và coi như khỏi phải lo nghĩ.
Số trẻ trên 16 tuổi bị cho ra khỏi nhà hoặc muốn tự lập (vì thích thế hoặc có mâu thuẫn gia đình) cũng không nhỏ.
Trang web chính phủ Anh không hề ghi là với con đã lớn, là người thành niên thì cha mẹ vẫn còn “trách nhiệm đạo đức” hay nghĩa vụ tài chính gì hết, dù một số trang từ thiện được chính phủ thừa nhận như ChildrenAdvice hay NSCPP nói về “sự quan tâm và trách nhiệm đạo đức”.
Để lấp chỗ trống này, nhà nước và xã hội có các dịch vụ hỗ trợ cho người tách ra ở riêng năm 16 tuổi, với mức ưu tiên cao để các em không trở thành vô gia cư (homeless).
Ở mức độ thấp hơn, các hội đoàn cũng sẵn sàng hỗ trợ người 18 tuổi bị đuổi khỏi nhà, hoặc tự ý muốn sống độc lập với cha mẹ nhưng chưa có kỹ năng và mời họ gọi cho đường dây trẻ em (childline) riêng để được tư vấn.
Nhưng đường dây này chỉ để cho người chưa tới 19 tuổi sử dụng, còn quá 19 rồi thì pháp luật và xã hội Anh coi là đã quá trưởng thành để nhờ vào đường dây đó. Nếu ai có vấn đề gì thì các cơ quan hội đoàn từ thiện có cách trợ giúp cho họ với tư cách là người hoàn toàn trưởng
Cho con cháu tiền hoặc để lại bất động sản thừa kế
Việc “ngân hàng cha mẹ” giúp cho con cái có chút vốn mua căn nhà đầu tiên thuộc về văn hóa “đùm bọc gia đình” như đã đề cập ở trên, và ở thái cực ngược hẳn với việc tống cổ con ra khỏi nhà năm 16 hoặc 18 tuổi.
Nhưng bức tranh tâm lý trong xã hội Anh ở mục này cũng không đơn giản. Một điều tra xã hội học tuy đã cũ, từ 2005 nhưng có thể cho ta thấy điều đó.
Có tựa đề là “Thái độ xã hội ở Anh với thừa kế” (Attitudes to inheritance in Britain), tài liệu của ĐH Bristol nêu ra vài con số đáng chú ý.
Ví dụ, việc được hưởng thừa kế (bằng tiền, bằng bất động sản) không phải là phổ biến ở Anh, thể hiện qua con số quá 50% dân số không trông đợi là họ sẽ được ai đó để lại khoản thừa kế gì.
Chỉ có 14% nghĩ là họ sẽ được thừa kế nhà của cha mẹ/ông bà, và 14% khác nghĩ là họ có thể (không chắc chắn) sẽ nhận thừa kế nhà.
Đại đa số các khoản thừa kế ở Anh là những khoản tiền không to cho tới khá nhỏ (chia ra cho nhiều người thụ hưởng), vì chỉ có 5% được nhận khoản nhiều hơn 50 nghìn bảng.
Từ phía cha mẹ/ông bà, chỉ có 1/3 số người người hỏi nói là họ sẽ để lại bất động sản cho con cháu như khoản thừa kế, còn 2/3 thuộc nhóm có tài sản cho là họ sẽ hưởng thụ cuộc sống mà không lo nghĩ đến chuyện để lại thừa kế (nguyên văn: they will enjoy life and not worry too much about leaving a bequest).
Cuối cùng, ta bỏ thái độ của bên cho và bên nhận tiềm năng sang một bên để nhìn vào các con số thống kê.
Hóa ra chỉ một khi ai đó có bất động sản mà chết không để lại di chúc thì nhà nước sẽ chia lại cho con cháu của người quá cố, theo luật Intestacy Rules (chết không di chúc).
Đây là lý do điều tra của ĐH Bristol kể trên cho thấy tới 63% bất động sản thừa kế ở Anh được bán đi (để chia tiền).
Điều đáng nói là chỉ có 45% người ở Anh để lại di chúc nên câu chuyện là dù khá đông người không muốn nghĩ tới chuyện để lại thừa kế cho ai đó, khi qua đời, họ vẫn để lại tài sản (nhà cửa, tiền tiết kiệm) và tòa án sẽ phân định và sở thuế cứ thu thuế thừa kế. Mức thuế này hiện rất cao, tới 40% cho khoản vượt giá trị 325 nghìn bảng cho căn nhà thừa kế.
Sự đa dạng trong tập quán và quyết định tài chính
Kết luận, ta thấy ngay cả ở Anh vẫn có các suy nghĩ, tập quán không đồng nhất về trách nhiệm tài chính của cha mẹ.
Một số sẵn sàng bỏ tiền ra giúp cho con cái mua căn nhà đầu tiên và để lại thừa kế, một số khác mời con khỏi nhà năm 18 tuổi cho rảnh nợ.
Cũng có không ít người cho rằng việc “enjoy” cuộc sống của họ quan trọng hơn là chắt bóp vì con.
Điều nổi bật là người Anh không có các quan niệm như “nối dõi tông đường” hay phải để lại gì đó hoành tráng để vẻ vang dòng họ, ví dụ họ không có tập quá xây nhà thờ họ.
Xã hội Việt Nam so với Anh thì khá khác biệt. Nhìn chung người Việt Nam đặt nặng tình cảm với gia đình, dòng tộc và bỏ tiền chăm lo cho con cái lâu hơn.
Thế nhưng, bên cạnh tinh thần họ mạc bền vững cũng có các câu tục ngữ như ‘Đời cua cua máy, đời cáy cáy đào” nhắc mọi người về sự độc lập và phần nào biệt lập của các thế hệ.
Sự đa dạng kể trên chúng ta thấy mỗi xã hội, mỗi nền văn hóa và mỗi gia đình đều có sự lựa chọn của mình, và điều quan trọng nhất là chúng ta biết sống vui với sự lựa chọn đó, nhất là khi phải quyết định về tài chính với các khoản tiền lớn.