Nhận Một – Trả Một: Pháp sẽ nhận lại mỗi tuần 50 thuyền nhân tới Anh

Hai nhà lãnh đạo Anh và Pháp sắp công bố tại London thỏa thuận kiểm soát di dân vào ngày thứ Năm (10/07), ngày thứ ba của chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sang Anh.
Theo các thông tin sơ bộ – được Bộ trưởng John Healey gián tiếp xác nhận với truyền thông- thì một kế hoạch thử nghiệm (pilot plan) sẽ cho phép Vương quốc Anh sẽ tiếp nhận một số người tị nạn qua eo biển La Manche (English Chanel) nhưng sẽ trả lại một con số tương tự về Pháp.
Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ kết thúc chuyến thăm chính thức kéo dài ba ngày của Tổng thống Pháp tại Vương quốc Anh bằng một cuộc họp báo tại London, nơi họ sẽ công bố kế hoạch mới nhằm đối phó với việc vượt biên qua thuyền nhỏ, vấn đề nổi cộm trong quan hệ hai nước từ nhiều năm qua.
Từ 2018, Pháp từ chối nhận lại người vượt biên sang Anh và Brexit khiến thảo luận song phương trở nên khó khăn.
Thế nhưng, Tổng thống Macron và Thủ tướng Starmer đã kiến thiết được quan hệ song phương tốt hơn các vị tiền nhiệm. Paris, qua lời ông Macron phát biểu ở London tuần này, đã coi vấn đề di cư qua eo biển là “gánh nặng chung” với London.
Thử nghiệm Nhận Một-Trả Một
Sáng ngày 10/07, quan chức Anh-Pháp vẫn đang thảo luận về chi tiết của kế hoạch vào sáng thứ Năm, bao gồm thời điểm triển khai, nhưng các trở ngại khác như sự phản đối từ các nước châu Âu đã được giải quyết.
Theo kế hoạch thử nghiệm, mỗi tuần Anh sẽ trả về Pháp 50 người vượt biên bằng thuyền nhỏ, và nhận 50 người đã đăng ký tỵ nạn tại Pháp mà đạt tiêu chuẩn tỵ nạn hoặc đoàn tụ gia đình ở Anh. Các báo Anh như SkyNews và BBC gọi đây là thỏa thuận Nhận Một-Trả Một (One In-One Out).
Tuy thế, 50 người một tuần chỉ chiếm vài phần trăm con số 800 người tới Anh bằng ca-nô, thuyền phao từ châu Âu lục địa, chủ yếu từ bờ biển Pháp nhưng cũng có các chuyến tới từ Bỉ.
Nếu phương án này không làm người ta nản lòng vào Anh và giảm số người vượt biên bằng thuyền thì nó có thể bị cho là thất bại, các báo Anh bình luận.
Theo chi tiết đã được báo Le Monde tiết lộ vào thứ Tư, Vương quốc Anh sẽ chỉ trả lại 2.600 người mỗi năm — khoảng 6% tổng số người vượt biên qua eo biển.
Ngoài ra, Anh sẽ cung cấp cho các nhân viên của Lực lượng Biên phòng các thiết bị kiểm tra sinh trắc học nhằm xác định xem người nhập cư có làm việc hợp pháp tại Vương quốc Anh hay không, nhằm giảm bớt mối lo ngại của Pháp về nền kinh tế ngầm của nước này.
Số người di cư vượt qua eo biển La Manche tăng 56% trong năm nay so với cùng kỳ năm 2024, theo số liệu của Bộ Nội vụ đã công bố hôm 10/07, gây căng thẳng cho chính trị Anh.
Để giảm số lượt vượt biên qua eo biển, Anh cam kết phá vỡ các băng nhóm buôn người đứng sau hoạt động này — một trong những nghị trình chính của Đảng Lao động trong chương trình hành động năm 2024 là “đập tan các băng nhóm buôn người”.
Mùa hè, khi thời tiết tốt ở eo biển là dịp các đoàn thuyền kéo sang Anh dồn dập.
Chỉ từ ngày 2 tháng 7 đến ngày 8 tháng 7, theo dữ liệu mới nhất của Bộ Nội vụ Anh, đã có 695 người di cư đến Vương quốc Anh trên 11 chiếc ca-nô.
Giảm động cơ khiến người ta muốn tới Anh
Bên cạnh các biện pháp cụ thể như chặn thuyền từ Pháp chở di dân “như taxi” sang Anh và trả lại người vượt biên vào Anh, chính quyền Anh gần đây tăng cường kiểm tra giấy tờ lao động và truy cứu các công ty tuyển lao động chui.
Đây là cách khiến động cơ sang Anh để làm lậu của người di dân giảm đi, sau khi Pháp và các nước EU phàn nàn rằng thị trường việc làm nhiều lỗ hổng ở Anh là “nam châm” thu hút người di cư trái phép.
Một yếu tố nữa, theo các phóng sự điều tra thực tế của BBC News và SkyNews bên Pháp, là tiếng Anh.
Các “ứng viên sắp lên thuyền” đến từ châu Phi, Trung Đông và Sri Lanka đều công khai nói với các nhà báo Anh rằng họ chỉ biết tiếng Anh nên không thể kiếm việc làm, kể cả làm chui ở Pháp và các nước châu Âu.
Sang Anh, họ tin rằng họ sẽ có việc làm vì đã biết tiếng Anh. Có người còn khoe là có bằng kỹ sư nhưng “sẵn sàng làm việc lái xe tải” chứ không muốn “ăn bám” nước Anh.
Điều đáng nói là người xin tỵ nạn không được phép làm việc tại Anh, trừ một số trường hợp cụ thể.
Tuy thế, họ được hưởng trợ cấp nhà ở và nhận dịch vụ y tế công (NHS) miễn phí.
Đây cũng là các yếu tố “thu hút dòng người di cư lậu” tới Anh, theo một số nhà quan sát, bên cạnh sự thiếu vắng của thẻ căn cước khiến di dân trái phép lẩn trốn trong các cộng đồng nhập cư dễ dàng.