Quan hệ Anh Quốc và EU nồng ấm trở lại sau khó khăn của Brexit?

Quan hệ Anh Quốc và EU nồng ấm trở lại sau khó khăn của Brexit?

Còn gọi là ‘reset’ (tái lập, điều chỉnh lại), chính sách của Thủ tướng Anh, ông Keir Starmer (đảng Lao động) có mục tiêu tìm kiếm quan hệ chặt chẽ hơn với EU trong ba lĩnh vực: quốc phòng, an ninh và thương mại.

Nếu như quan hệ an ninh và quốc phòng được sự quan tâm của cả châu Âu vì liên quan đến vấn đề Ukraine, câu chuyện thương mại hiện đang được dư luận Anh chú ý hơn cả bởi có tác động trực tiếp đến kinh tế Anh.

Một loạt cuộc họp mang tính biểu tượng cho thấy Anh đang tìm cách thay đổi quy chế xuất nhập khẩu và hạn ngạch đánh bắt cá để “tương thích” với quy định của EU.

Đổi lại, EU sẽ nới lỏng các quy chế với hàng hóa của Anh bán sang thị trường láng giềng đông dân (446 triệu người), giúp làm giảm đi các khó khăn cho xuất khẩu của Anh.

Cụ thể, hôm 10/12/2024, các báo Anh đưa tin lần đầu tiên từ khi Brexit có hiệu lực năm 2020, Bộ trưởng Tài chính Anh, Rachel Reeves đã dự cuộc họp các bộ trưởng tài chính những nước thành viên EU ở Brussels.

Bà Reeves nói Anh không loại trừ khả năng điều chỉnh luật nội địa để song hành và tương thích với quy định của EU trong các lĩnh vực “nông sản, hàng xuất khẩu và nông trại”.

Còn gọi là “dynamic alignment”, đây là cách hai đối tác chỉnh sửa liên tục các quy định để luôn tạo ra tính tương thích, ví dụ về tiêu chuẩn hàng hóa, thú y, chất lượng nông sản.

Nếu thành công, cách làm này có thể khiến hàng của Anh, trong các lĩnh vực được thỏa thuận, được bán sang EU với thuế nhập khẩu thấp nhất hoặc không có thuế quan.

Anh và EU cũng vừa đạt thỏa thuận về hạn ngạch khai thác cá ở các ngư trường trên những vùng thuộc Biển Bắc cạnh EU, cho phép ngư dân Anh tăng thêm số lượng đánh bắt hàng năm lên thêm 15 nghìn tấn.

Về chính trị, vừa có một tin nữa cho thấy quan hệ Anh -EU “đang tan băng”, theo các báo quốc tế.

Ví dụ, vào ngày 03/02/2025, Thủ tướng Keir Starmer sẽ dự cuộc họp của Hội đồng châu Âu ở cương vị thủ tướng Anh đầu tiên tham gia cuộc họp cao cấp nhất của EU kể từ sau Brexit.

Lời mời được chính Chủ tịch Hội đồng châu Âu António Costa đưa ra trong tuần qua ở London, khi ông tới thăm thủ tướng Anh ở số 10 phố Downing.

Tuy vậy hiện hai bên vẫn còn nhiều vướng mắc như quy chế song phương cho sinh viên, thanh niên 18-30 tuổi có thể từ Anh sang EU (và ngược lại) học tập và làm việc tới 2 năm không cần visa.

Một quy chế khác thuộc dạng “youth mobility” tăng độ tuổi lên 35.

Trên thực tế Anh đã cho thanh niên Nhật và Úc hưởng quy chế này nhưng từ chối áp dụng với EU, ít ra là vào thời điểm hiện nay.

Giới vận động trong ngành giáo dục ở Anh và EU từ lâu nay lên tiếng nói việc cản trở giao lưu con người vì Brexit đang tước đi cơ hội cho nhiều người trẻ hai bên.

Trước Brexit, khi Anh là thành viên EU, thanh thiếu niên hai bên có thể đi lại thoải mái và tìm kiếm cơ hội du học, việc làm.

Từ sau Brexit, ngay cả số chuyến tham quan của học sinh từ EU sang Anh cũng giảm vì ở một số nước như Đức, Bỉ, Ba Lan học sinh có thể không có hộ chiếu. Trong EU công dân giữa các nước thành viên đi lại xuyên biên giới không cần visa, hộ chiếu.

editors

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *