Sau Úc, liệu Anh có cấm trẻ em dưới 16 tuổi dùng mạng xã hội?

Sau Úc, liệu Anh có cấm trẻ em dưới 16 tuổi dùng mạng xã hội?

Trả lời truyền thông hôm 20/11/2024, Bộ trưởng Công nghệ Peter Kyle cho biết chính phủ Anh “đang xem xét” các biện pháp đảm  bảo an toàn mạng cho công dân, nhất là thanh thiếu niên, vị thành niên.

Phát biểu trên BBC Radio 4, ông nói Anh không loại trừ khả năng ra luật như Úc, cấm trẻ em dưới 16 tuổi dùng  mạng xã hội.

Tuy thế, ông Kyle (đảng Lao động) cho hay Anh còn cần nghiên cứu về tác động của công nghệ như điện thoại thông minh và mạng xã hội đối với thanh thiếu niên, và khẳng định hiện tại nhà chức trách chưa có “bằng chứng về nghiên cứu được bình duyệt bởi giới học giả” liên quan đến chủ đề này.

Ông cho biết đã có văn bản gửi tới Cơ quan Giám sát Truyền thông ở (Ofcom), chuyên phụ trách giám sát đài báo nhưng vừa được bổ sung trách nhiệm theo Đạo luật An toàn Mạng (Online Safety Act). Ofcom sẽ có biện pháp yêu cầu việc thực hiện quy định an toàn mạng cho mọi công dân.

Tuy thế, trong tháng 11 năm nay, đài báo Anh  bàn luận nhiều về quyết định của Úc, quốc gia có mô hình chính trị tương tự Anh, cụ thể là ra luật cấm vị thành niên dùng mạng xã hội, kể cả khi được cha mẹ cho phép.

Báo chí Anh nói rằng theo một số giới chuyên bảo vệ trẻ em thì biện pháp của Úc mới là cụ thể, có hiệu quả, thay gì các tuyên bố cấm chung chung.

Thủ tướng Úc Anthony Albanese nói luật sẽ có hiệu lực một năm sau ngày thông qua, “là món quà cho các bậc phụ huynh” lo ngại về ảnh hưởng xấu của mạng xã hội với trẻ em.

Úc sẽ không coi việc vi phạm, ví dụ như cha mẹ bất cẩn không “trông nom” để con cái tránh vào mạng xã hội, là một tội hình sự.

Có vẻ Anh Quốc nếu cấm trẻ dưới 16 tuổi dùng mạng xã hội thì cũng chọn cách nhắc nhở, giáo dục.

Các công ty, cá nhân và tổ chức cố ý vi phạm như sản xuất, đăng tải nội dung xấu nhắm vào trẻ em sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Vấn đề ở Úc và châu Âu

Đài báo trên toàn thế giới những năm qua đã nói đến các vấn đề như bạo lực, đe dọa, bắt nạt qua mạng (online bullying), phổ biến nội dung xấu, phim và hình ảnh tình dục và các trò lừa đảo nhắm vào trẻ em qua mạng xã hội.

Truyền thông trường nhấn mạnh vào các vụ nhiều bi kịch như trẻ tự tử vì bị bắt nạt trên mạng để kêu gọi các chính phủ có biện pháp hữu hiệu.

Tuy thế, như vấn đề được nêu ra ở Úc, việc cấm quá triệt để có thể cản trở quyền tham gia môi trường số để giao lưu, học tập của trẻ.

Chẳng hạn một tổ chức xã hội dân sự (the Australian Child Rights Taskforce) gửi thư ngỏ đến Thủ tướng Albanese kêu gọi chính phủ Úc không nên cấm toàn bộ mà thay vào đó xem xét áp dụng “các tiêu chuẩn an toàn” cho các nền tảng mạng xã hội.

Tổ chức này trích khuyến nghị của Liên Hợp Quốc rằng “các chính sách của từng quốc gia” cần nhắm tới chỗ điều chỉnh không gian mạng “để tạo cơ hội cho trẻ em hưởng lợi từ việc tham gia môi trường số và đảm bảo quyền tiếp cận an toàn”.

Tuy nhiên, các nhà vận động cơ sở khác đã vận động chính phủ Australia ban hành các luật này, nói rằng các biện pháp cấm là cần thiết để bảo vệ trẻ em khỏi nội dung có hại, thông tin sai lệch, bắt nạt và các áp lực xã hội khác.

Hiện các quốc gia và các tổ chức vùng đã thông qua những quy định khác nhau để giám sát nội dung có hại cho trẻ em, gồm sức khỏe tâm thần nhưng vấn đề luôn là tính hiệu quả của các biện pháp này.

Chẳng hạn, EU có Luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) yêu cầu các nền tảng mạng lớn phải chủ động định dạng và xóa bỏ nội dung có hại cho trẻ vị thành niên, gồm những nội dung có thể gây tổn hại về tâm lý, và ngăn chặn quảng cáo nhắm vào trẻ em.

EU cũng muốn các nhà cung cấp dịch vụ có hệ thống xác minh tuổi để đảm bảo chỉ có nội dung phù hợp mới có thể truy cập được đối với trẻ em. Ngoài ra là yêu cầu các công ty mạnh xã hội cấm dùng thuật toán để “đẩy đến màn hình” cho trẻ em những nội dung không phù hợp.

Tuy thế, các nước EU mới có quyền áp dụng luật và giáo dục nhà trường, phụ huynh để kiểm soát những nội dung mà trẻ em có thể truy cập. Luật và quy định mỗi nước thành viên khối lại khá khác nhau.

Và ở Việt Nam

Theo báo Dân Trí hồi tháng 10/2024, một khảo sát trước đó nói 82% trẻ em Việt Nam 12-13 tuổi sử dụng internet hàng ngày, con số này ở lứa tuổi 14-15 là 93%.

Tờ báo viết, trong bài về hội thảo với chủ đề: “Mạng xã hội và sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên tại Việt Nam” do Viện Đào tạo Y học Dự phòng và Y tế Công cộng (Trường Đại học Y Hà Nội) tổ chức, rằng sức khỏe tâm thành cho trẻ đang là vấn đề cần tìm hiểu.

Theo thống kê, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ người dùng internet với 72 triệu người sử dụng mạng xã hội, chiếm khoảng 73% dân số. Trong số đó có 7% thuộc độ tuổi từ 13 đến 17 và gần 10% thuộc độ tuổi từ 18 đến 24. Việc mua điện thoại thông minh làm quà tặng cho con nhỏ trở thành mốt trong nhiều gia đình Việt Nam.

Hội thảo hôm 04/10 ở Hà Nội được cho là bước đi đầu tiên cho các nghiên cứu toàn diện về tác động của mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên Việt Nam trong khi chờ có luật để điều chỉnh quan hệ xã hội trong lĩnh vực này.

Các chuyên gia Việt Nam nói cần xây dựng các chương trình nâng cao nhận thức, hướng dẫn cho nhà trường, phụ huynh, người dùng các giải pháp để bảo vệ và nâng cao sức khỏe tâm thần cho thanh thiếu niên nước này trong kỷ nguyên số.

editors

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *