Tiếng Việt: món quà trọn đời 

Tiếng Việt: món quà trọn đời 
Giao diện trang chủ https://emhoctiengviet.vn/
Anh Bùi gửi bài từ Edinburgh, Scotland:
———————————————————
“Mặc dù bận rộn kiếm sống, ba tôi luôn dành thời gian lái xe chở tôi tới lớp học tiếng Ba Tư ở Campbell. Tôi xin ba cho tôi được nghỉ đến lớp học tiếng Ba Tư, nhưng ba không đồng ý. Ba nói, rồi một ngày nào đó, tôi sẽ trân trọng món quà mà ba đang trao cho tôi.”

Từ câu chuyện trong một quyển tiểu thuyết

Gần đây tôi đọc một cuốn tiểu thuyết ăn khách hàng đầu thế giới (international bestseller) có tên “Và rồi núi lên tiếng vọng” (tên gốc tiếng Anh: “And the mountains echoed”) của tác giả người Mỹ gốc Afghanistan, Khaled Hosseini. Tiểu thuyết kể về một gia đình Afghanistan lâm vào cảnh ly tán vì chiến tranh. Gia đình của cô gái sau đó di cư đến Mỹ. Ở Mỹ, ba bắt cô tới lớp tiếng Ba Tư mỗi tuần, và như bạn vừa được đọc, cô chán ghét lớp học đó, và không hiểu tại sao mình phải tiếp tục.
Câu chuyện đó làm tôi nhớ tới một trong những học viên tôi đã dạy, anh Thuận Huỳnh, một người gốc Việt sinh và lớn lên ở Úc. Là một người đã làm công việc giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài cũng như kiều bào nhiều năm nay, tôi đã tiếp xúc với rất nhiều người lớn lên ở nước ngoài với các trình độ tiếng Việt khác nhau.
Trong lĩnh vực dạy tiếng, có một thuật ngữ là “ngôn ngữ di sản” (tiếng Anh: heritage language), hiểu đơn giản là ngôn ngữ của ông bà, ba mẹ truyền lại cho mình. Nếu một đứa trẻ sinh sống ở Vương quốc Anh, nhưng ở nhà ông bà và bố mẹ vẫn nói tiếng Việt, thì tiếng Việt chính là “ngôn ngữ di sản” của em. Những đứa trẻ này nhờ được nghe nói tiếng Việt tại nhà nên có thể giao tiếp tiếng Việt khá trôi chảy, đặc biệt là khi giao tiếp về những điều cơ bản trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, khi lớn, các em gặp nhiều khó khăn khi tiếp xúc với những nội dung phức tạp hơn, ví dụ khi phải đọc hay nghe hiểu tin tức, đọc sách, xem phim v.v. Rất nhiều người chỉ có thể nghe hiểu mà không thể đọc viết tiếng Việt.
Tiểu thuyết “Và rồi núi lên tiếng vọng” , nguyên gốc tiếng Anh

Phép thử Turing

Khi gặp một kiều bào, tôi hay làm “phép thử Turing”. Phép thử Turing là một phép thử trí tuệ của máy tính, xem nó có thông minh như con người không. Còn phép thử Turing của tôi thì lại là, bạn có thể nói tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ, như một người sinh ra và lớn lên ở Việt Nam không? Hầu hết những người lớn lên ở nước ngoài sẽ không vượt qua được phép thử này – trong vòng một vài phút, tôi sẽ biết ngay à, bạn lớn lên ở nước ngoài đúng không.
Đó là vì họ thường có hoặc là phát âm lơ lớ, hoặc là vốn từ vựng và ngữ pháp tiếng Việt hạn chế. Tuy nhiên, anh Thuận Huỳnh thì khác. Qua trao đổi email (anh viết tiếng Việt rất chuẩn), tôi biết anh lớn lên ở Úc, nhưng khi nói chuyện với anh, phải tới mười lăm, hai mươi phút sau tôi mới có cảm giác, à, anh lớn lên ở nước ngoài đúng không. Có nghĩa là, anh gần như qua được phép thử Turing của tôi – anh nói tiếng Việt thuần thục gần như một người bản ngữ.
Vì thế, tôi đã rất tò mò. Làm thế nào anh đạt được trình độ tiếng Việt cao như vậy? Thì ra, ở Úc, ngoài việc nói tiếng Việt với anh ở nhà, ba mẹ anh đã “bắt” anh đi học tiếng Việt ở chùa Việt Nam. Đó là vào những năm 80 và 90, khi chùa là nơi những người Việt xa xứ tìm  đến để cho con học đọc viết tiếng Việt, cùng nhau đón Tết, kết nối với những người Việt Nam khác.
Anh đã đến lớp học tiếng Việt ở chùa, đều đặn, ròng rã, suốt 11 năm, từ 6 đến tận khi 17 tuổi. Và như cô gái trong tiểu thuyết “Và rồi núi vọng”, anh ghét lớp học đó. Anh cảm thấy như bị tra tấn trong những giờ học dài đằng đẵng. Anh giận ba mẹ vì bắt anh đến lớp. Nhưng bây giờ, ở độ tuổi bốn mươi, anh lại cảm thấy vô cùng biết ơn vì ba mẹ đã kiên quyết muốn anh giỏi tiếng Việt. Nhờ ba mẹ, anh nói giỏi tiếng Việt, và mỗi năm khi về Việt Nam chơi, anh thấy như ở nhà, thấy mình cũng thuộc về nơi đây không kém gì nước Úc vậy.
Khác anh Thuận Huỳnh, có thể nhiều bạn nhỏ Việt ở Anh giờ đây không có điều kiện sống cạnh cộng đồng nói tiếng Việt đông đảo như ở Hoa Kỳ và Úc. Thế nhưng, trong thời đại công nghệ như hiện nay, các bạn luôn có thể tiếp cận lớp học tiếng Việt trực tuyến vui vẻ và thiết thực.
Lớp dạy tiếng Việt trực tuyến miễn phí cho con em người gốc Việt ở Vương quốc Anh do Hội người Việt và Viet News UK tổ chức.

Phân loại con em người Việt dựa trên trình độ tiếng Việt

Con cái của ba mẹ người Việt lớn lên ở nước ngoài thường sẽ rơi vào một trong ba nhóm chính sau đây.
Nhóm một gồm các em lớn lên không nói được tiếng Việt, và khi trưởng thành, nếu muốn học tiếng Việt thì cũng sẽ khó khăn như những người nước ngoài khác. Tiếng Việt được đánh giá là ngôn ngữ khó học đối với một người nói tiếng Anh.
Nhóm hai là trẻ lớn lên nói tiếng Việt ở nhà và nhờ vậy có thể gần như người bản ngữ ở khả năng phát âm và nghe hiểu, nhưng có vốn từ vựng tương đối hạn chế, và có thể không đọc viết được.
Nhóm thứ ba là trường hợp trẻ lớn lên nói tiếng Việt ở nhà, nhưng ngoài ra, giống như anh Thuận Huỳnh, chúng được dạy đọc viết qua trường lớp.
Những người thuộc nhóm một, nếu bắt đầu học tiếng Việt khi trưởng thành, hơn 99% trong số họ sẽ không bao giờ vượt qua được “phép thử Turing” – họ sẽ gần như không bao giờ có thể nói tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ. Những người thuộc nhóm hai, họ có nền tảng tiếng Việt vững chắc. Họ đã thành thạo cách phát âm và có thể nghe hiểu ở mức độ mà chỉ có thể đạt được khi học tiếng Việt từ khi còn nhỏ. Những người nhóm ba, hồi còn nhỏ chắc có lúc sẽ cảm thấy chán nản, thiếu động lực học tiếng Việt, nhưng chắc chắn khi trưởng thành sẽ cảm thấy biết ơn vì mình có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Việt.

Những lợi ích của việc biết tiếng Việt

● Biết tiếng Việt mang đến nhiều cơ hội phát triển ở cả Vương quốc Anh và Việt Nam. Chẳng hạn, ngày càng có nhiều người trẻ lớn lên ở nước ngoài chọn quay về Việt Nam để lập nghiệp. Nhờ biết tiếng Việt, họ nhanh chóng có được những cơ hội tốt. Mở ti vi lên là bạn có thể thấy, từ âm nhạc đến các chương trình giải trí có Thanh Bùi, Trọng Hiếu Idol, Thảo Nhi Lê, Thái VG… lĩnh vực phim ảnh có Victor Vũ, Kathy Uyên, Johnny Trí Nguyễn… các chương trình tài chính như Thương vụ bạc tỷ Shark Tank có Thái Vân Linh, Louis Nguyễn…\o cạnh tranh cao, họ có thể khó có cơ hội thành công ở nước sở tại, nhưng lại gặt hái được nhiều thành công ở trong nước. Nếu chọn lập nghiệp ở nước sở tại, người biết tiếng Việt và văn hoá Việt cũng sẽ có nhiều cơ hội công việc liên quan đến Việt Nam hơn.
● Tình cảm giữa ba mẹ và con thắm thiết, gần gũi hơn khi có cùng ngôn ngữ là tiếng Việt. Tôi đã nhìn thấy nhiều ba mẹ chật vật để giao tiếp với con mình bằng thứ tiếng mà mình không thông thạo. Tôi đã nhìn thấy nhiều đứa cháu và ông bà, dù thương nhau nhưng không thể giao tiếp bằng lời. Là một người mẹ Việt, tôi cảm thấy tôi không thể chia sẻ tâm tư tình cảm, bày tỏ mọi cung bậc cảm xúc, từ âu yếm yêu thương cho đến la rầy trách phạt con bằng một thứ tiếng khác. Con không thể tiếp cận với một kho tàng kinh nghiệm sống, ký ức, kỷ niệm… từ ba mẹ, ông bà vì không nói cùng một ngôn ngữ. Đó là một điều rất đáng tiếc.
● Bộ não của những người song ngữ đã được khoa học chứng minh là linh hoạt và nhạy bén hơn. Người song ngữ thường có khả năng tiếp cận và thấu hiểu, cảm thông cho người có ngôn ngữ và văn hoá khác mình, qua đó sống một cuộc đời giàu đó, phong phú hơn.
● Cuối cùng, biết tiếng Việt và biết tiếng Việt giỏi giúp một người gắn kết với quê hương, nguồn cội, có ý thức mạnh mẽ về bản sắc. Người lớn lên ở nước ngoài dễ có cảm giác không thật sự thuộc về đâu. Tôi đã từng dạy những người bốn mươi, năm mươi tuổi mới bắt đầu khát khao tìm hiểu về bản sắc và nguồn cội của mình, và học nói những từ tiếng Việt đầu tiên.

Anh Bùi nói chuyện với lớp tiếng Việt, khoa Đông Á học, Đại học Brown, Hoa Kỳ, 2023. Phần lớn sinh viên là người gốc Việt ở Mỹ (Ảnh: Trang Tran)

Làm sao để gìn giữ tiếng Việt cho con

● Bắt đầu càng sớm càng tốt, tốt nhất là từ khi mới sinh ra. Nếu học một ngôn ngữ sau 10 tuổi thì khả năng phát âm chính xác, ít mắc lỗi ngữ pháp… giảm rõ rệt. Hầu hết người học ngôn ngữ sau 10 tuổi không thể đạt được trình độ như người bản ngữ. Vì vậy, tôi luôn nói, tiếng Việt là một trong những món quà quý giá nhất bạn có thể trao cho mình, nhưng phải trao ngay bây giờ, khi con còn nhỏ và có khả năng hấp thụ ngôn ngữ tốt nhất.
● Bố mẹ chính là người thầy ngôn ngữ tốt nhất của con. Việc đơn giản nhất bạn cần làm là nói hoàn toàn với con bằng tiếng Việt. Giao tiếp với con bằng tiếng Việt ngay cả khi xung quanh có nhiều người nói tiếng Anh. Kế đến là cho con tiếp xúc với nhiều nguồn tiếng Việt khác nhau như: xem phim hoạt hình, nghe nhạc thiếu nhi, đọc sách tiếng Việt với con… càng nhiều càng tốt.

Di sản tiếng Việt – món quà trọn đời

Tôi chưa kể kết thúc chuyện ở đầu bài cho bạn. Mấy mươi năm sau, người cô ruột của cô từ Pháp sang Mỹ để tìm anh trai, chính là ba của cô. Ba cô lúc này vì bệnh tật đã không còn có thể nói chuyện hay nhận ra ai. Ông có viết một bức thư bằng tiếng Ba Tư cho em gái, nhưng bà không thể đọc, vì bà đã bị mang sang Pháp từ nhỏ.
Cô đã khóc khi dịch bức thư bằng tiếng Ba Tư đó, giúp ba nói những điều cần nói với người em gái yêu dấu. Trong phút chốc những giờ học tiếng Ba Tư ở Campbell tưởng chừng như dài vô tận đó, nỗ lực không mệt mỏi của ba nhằm gìn giữ tiếng Ba Tư cho cô đã được đáp đền xứng đáng.
Tôi hy vọng biết bao, mỗi đứa trẻ gốc Việt lớn lên ở nước ngoài, khi trưởng thành đều có thể có được giây phút vỡ oà như cô gái đó – mình đã được trao cho một di sản, một món quà trọn đời: tiếng Việt.
“Có hai thời điểm tốt nhất trong đời để học tiếng Việt: một là, từ trong bụng mẹ, và hai là, ngay bây giờ.”
—————————————————————————-
Anh Bùi là điều phối chương trình lớp học online “Em học tiếng Việt” do Hội người Việt UK và Viet News UK tổ chức. Tác giả đã tốt nghiệp loại giỏi ngành Ngôn ngữ học tiếng Việt tại TP.HCM, và đã có 13 năm giảng dạy tiếng Việt cho người nước ngoài và người gốc Việt. Hiện sống cùng gia đình ở thành phố Edinburgh, Scotland, Anh Bùi là sáng lập viên trường “Dạy con tiếng Việt” trực tuyến ở Vương quốc Anh.
Các bạn tìm hiểu về chương trình lớp học online “Em học tiếng Việt” do Hội người Việt UK và Viet News UK tổ chức tại đây
Trang Facebook và đường link tới Khóa học tiếng Việt: https://www.facebook.com/share/p/1HAr45RK3z/

editors

Một bình luận trong “Tiếng Việt: món quà trọn đời 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *