Vì sao giá đô la Mỹ giảm nhiều từ tháng 1 đến nay?

Lần giảm giá đô la Mỹ vào thứ Năm tuần trước (10/04/2025) đã khiến nhiều nhà bình luận cho rằng USD bị tác động liên đới từ chính sách thương mại quyết liệt của Tổng thống Donald Trump.
Wall Street ban đầu dự đoán rằng thuế quan sẽ thúc đẩy đồng đô la mạnh hơn nhưng tình hình diễn ra lại ngược lại. Đồng tiền của Mỹ đã giảm hơn 7% kể từ khi Trump nhậm chức đầu tháng 1, và hơn 2% kể từ khi tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ tung ra chính sách thương mại bằng chiến dịch đánh thuế quan vào nhiều nước.
Sự suy giảm của đồng đô la diễn ra cùng với việc bán tháo cổ phiếu và trái phiếu của Mỹ có thể là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang phản ứng với các chính sách bảo hộ mậu dịch của TT Trump bằng hành động bán tài sản ở Mỹ, tạo áp lực giảm giá lên đồng đô la.
Những lo ngại gia tăng về một cuộc suy thoái kinh tế cũng có thể đang đè nặng lên đồng đô la.
Một số mức giảm lớn nhất của đồng greenback vào thứ Năm 10/04 diễn ra so với đồng yên Nhật và franc Thụy Sĩ, hai trong số các đồng tiền là nơi trú ẩn an toàn hàng đầu.
Chi tiêu công ở Đức sẽ tăng
Sang tuần Phục Sinh, theo Reuters, đồng greenback của Mỹ đã mất giá ở mức tệ nhất so với đồng euro trong ba năm qua, (giảm 9%) cho thấy vấn đề có gì đó lớn hơn là biến động trong những tuần qua.
Theo trang Barron’s, trong một ghi chú vào thứ Ba 16/04, công ty quan sát thị trường Yardeni Research đã thử nêu ra lý thuyết rằng sự bán tháo đồng đô la có liên quan đến việc các nhà đầu tư chuyển tiền ra khỏi tài sản của Mỹ và bỏ vốn vào các đồng tiền châu Âu, nhất là sau khi đồng euro lên giá gần đây.
Đồng euro đã tăng từ mức ăn $1,079 hồi đầu tháng lên $1,138, và có lúc vượt ngưỡng $1,14 lần đầu tiên từ tháng 2/2022.
Các bình luận cho rằng tin về quyết định mới lỏng hạn chế chi tiêu công của tân chính phủ Đức, nền kinh tế lớn nhất khu vực tiền tệ euro và mức dự trữ tốt của đồng tiền này khiến nó trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư.