Vì sao sư tử trở thành linh vật của nước Anh?

Ai tới thủ đô Vương quốc Anh hẳn đều thấy bốn tượng sư tử bằng đồng đen nhánh nằm oai vệ ngay ở Quảng trường Trafalgar, trước bảo tàng National Gallery, địa điểm trung tâm của London (xem ảnh trên).
Chúng ta hãy tìm hiểu vì sao sư tử có gốc gác ở châu Phi và Cận Đông lại trở thành hlinh vật của Anh Quốc, ngự trên gia huy của Hoàng gia và có mặt…ở khắp mọi nơi.
Thú dữ ngự ở quảng trường
Không phải ngẫu nhiên là Quảng trường Trafalgar có bốn con sư tử bề thế, oai vệ ngự trị.
Gọi là Landseer’s Lions, bốn tượng sư tử mang tên Sir Edwin Landseer (1802-1873), họa sỹ cung đình thời Nữ hoàng Victoria.
Vào nửa sau thế kỷ 19, khi xây tượng Đô đốc Horatio Nelson đứng trên cột cao kỷ niệm trận Anh thắng Tây Ban Nha ở hải chiến Trafalgar, chính quyền Anh có ý tưởng là đặt thêm bốn sư tử trên bốn bệ tượng. Nhưng vì thiếu ngân khoản, phải 12 năm sau (1858), việc đặt hàng đúc tượng sư tử mới bắt đầu.
Ngài Edwin Landseer, họa sỹ chuyên vẽ chó, ngựa, hươu cho Hoàng gia Anh, được đặt hàng làm nhà thiết kế cho công trình này. Ông đã vào London Zoo xem kỹ sư tử. cả các con còn sống và da, lông của sư tử đã chết, để vẽ ra ‘sư tử’.
Việc đúc tượng được giao cho bá tước Carlo Marochetti, người Ý nhưng quá trình đúc đồng không đạt yêu cầu. Báo chí thời đó chê tác phẩm sai ba chỗ. Một là sư tử đầu quá to, giống Sphinx gác Kim Tự Tháp bên Ai Cập hơn là thú thật; lưng sư tử vồng lên, không giống sư tử thật lưng võng xuống khi nằm, và bộ móng thì giống móng mèo.
Dù bị chê, bốn chú sư tử của ông Landseer vẫn rất oai vệ nằm đó từ 1868 đến nay. Du khách thích trèo lên bệ cao, cưỡi sư tử chụp ảnh. Ai đi qua cũng sờ móng sư tử ‘lấy may’, theo cách dân London nói.
Sư tử cũng có ở tượng đài Nữ hoàng Victoria trước Điện Buckingham, nơi làm việc của Nữ hoàng Elizabeth hiện nay.
Nhưng không cần tới Anh Quốc, bạn cũng có thể đã thấy hình ba con sư tử màu đỏ trên nền trắng ở áo và cờ của tuyển bóng đá Anh. Sư tử còn công du khắp thế giới, theo dấu quốc huy trên visa Anh cấp cho người nước ngoài và trên mọi hộ chiếu của công dân.
Theo Valerie Collin-Russ viết trong cuốn “The 10,000 Lions of London” thì có 10 nghìn tượng, phù điêu, huy hiệu sư tử trên nhà cửa, dinh thự khắp London. Đến thùng rác ở London cũng có phù hiệu ngựa và sư tử.
Bên cạnh sư tử thì ngựa, theo truyền thống hiệp sĩ, cũng xuất hiện khá nhiều trên huy hiệu của quân đội và các thành phố.
Sư tử từ đâu tới?
Cuốn ‘Heraldry’ chuyên viết về gia huy, biểu chương của quý tộc châu Âu nói sư tử ở Anh do các vị vua gốc Pháp đem tới:
“Sư tử trên gia huy quý tộc (coat of arms), cờ và vương miện các vua Anh có gốc design của Pháp. Ba sư tử ‘three lions passant’ – sư tử trườn ngang thân giơ chân trước xoè móng hiện có trên cờ của Hoàng gia Anh.”
Vậy là thiết kế hình sư tử không tùy tiện, mà có nguyên tắc và cấp bậc cụ thể, giống như hình rồng năm móng, ba móng cho vua châu Á ngày xưa.
Sách còn giải thích một số khái niệm sau:
‘Lion rampant’: sư tử tung mình vồ mồi, đứng trên một hoặc cả hai chân sau, hai chân trước tung ra;
‘Lion statant’: sư tử đứng trên cả bốn chân chạm đất;
‘Lion dormant’: sư tử ngủ;
‘Lion salient’: sư tử đứng trên hai chân sau ở tư thế phóng mình lên trên;
‘Lion regardant’: sư tử vươn mình giơ móng nhưng đầu ngoảng về phía sau;
‘Lion coward’: sư tử cụp đuôi dưới hai chân sau…
Sư tử mới chính thức là biểu tượng của Hoàng gia Anh từ thời vua Richard I, thế kỷ 12. Dòng họ ông gốc Pháp nên ba con sư tử đại diện cho ba xứ ông làm chủ: England bên này eo biển, Normandy và Anjou bên Pháp.
Về sau triều đình Anh sau mất hai vùng ở Pháp nhưng hình ba sư tử vẫn được giữ. Vua chúa nắm quân đội nên ‘tam sư’ có trên huy hiệu Thủy quân Lục chiến Hoàng gia, của Lữ đoàn Dù…và đội tuyển bóng đá Anh (England Team).
Gắn kết truyền thống với thời hiện đại
Ngày nay Vương quốc có bốn xứ sở thành viên, hợp thành “liên hiệp” (union): England, Wales, Scotland và Bắc Ireland.
Việc ghép lại bốn miếng lãnh thổ cổ xưa này thành Vương quốc liên hiệp khiến bốn xứ dùng bốn hình tượng hơi khác nhau.
Vương triều Anh (England) chỉ dùng ‘sử tử trườn’ nhưng Scotland dùng cờ sư tử tung mình vồ mồi khá hung dữ (lion rampant).
Cờ Hoàng gia của Scotland màu vàng có hình sư tử đỏ thuộc đặc quyền của Hoàng gia Anh và chỉ khi nào vua Charles, người thừa kế cả ngai vàng Scotland, có mặt tại Scotland thì người ta mới trưng cờ ra.
Ngoài ra, cờ chỉ được phép treo trong đại lễ quốc gia và lễ duyệt binh của trung đoàn Royal Regiment of Scotland, còn dân và doanh nghiệp không có quyền treo. Dân thường và các sự kiện thể thao được vẫy cờ Xanh -Trắng của Scotland, không phải cờ màu vàng có sư tử.
Quốc huy Bắc Ireland có sư tử và ngựa chầu vương miện nhưng con sư tử cầm thêm đàn harp, biểu tượng của dân tộc Ireland. Ở nước láng giềng Cộng hòa Ireland thì cây đàn này có trên quốc huy.
Cờ Wales có rồng đỏ, nhưng gia huy của Hoàng tử xứ Wales, danh hiệu chỉ dành cho vị thái tử ngai vàng Anh Quốc lại có hình bốn sư tử, giống cờ của Nghị viện Wales.
Bốn xứ thuộc United Kingdom có phân chia ngôi vị bằng logo, màu cờ, linh vật để kiến tạo một quốc gia thống nhất.
Không chỉ vậy, các biểu tượng vừa quen thuộc, vừa kỳ ảo còn gắn kết cả những người dân, gồm người nhập cư với truyền thống của một xã hội tự do có bề dày bản sắc riêng.
Lý Thanh (lee.thanh@vietnewsuk.com)
2 bình luận trong “Vì sao sư tử trở thành linh vật của nước Anh?”