Việt Nam: Tranh đương đại và di sản hội hoạ thế kỷ 19 và 20

Hương Keenleyside viết:
Trong lần thăm Bảo tàng Mỹ thuật ở phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội, nhóm bạn người Anh cùng các bạn Việt kiều ở Scotland của tôi đã nhận xét rằng nơi đây còn ít tranh và không có nhiều tác phẩm đặc sắc, đặc biệt là ít các tác phẩm từ thế kỷ 5-14, 15 như ở châu Âu.
Không rõ giải thích thế nào cho phù hợp, tôi đành bảo rằng, theo kiến thức hạn hẹp của mình, nhiều tranh sơn dầu mà sau này mới có từ thời Pháp thuộc, đã nằm trong các bộ sưu tập tư nhân. Hơn nữa, nước tôi đã bị xâm chiếm nhiều năm, khiến nhiều tác phẩm điêu khắc, bình gốm cổ có in tranh, bị cướp đi và đem về nước ngoài.
Nói về tranh, trong tác phẩm trào phúng bất hủ Số Đỏ, nhà văn Vũ Trọng Phụng đã đặt vào miệng nhân vật của mình nhận xét: “Hội hoạ là phải khó hiểu, phải rối rắm, phải Âu hoá.”
Thật ra, tranh Việt Nam có hai trường phái chính: một theo kiểu cổ truyền, và một theo phong cảnh, khỏa thân, chân dung theo phong cách châu Âu.
Tôi đã tham dự triển lãm tranh của họa sĩ Lê Quang tại Bảo tàng Mỹ thuật và rất ấn tượng với các tác phẩm phong cảnh Suối Yến, Táo Thu của ông. Những bức tranh này thể hiện thiên nhiên một cách sinh động, càng ngắm càng thấy đẹp, càng nhìn xa lại vọng ra nhiều ý tưởng. Họa sĩ Lê Quang là giảng viên bộ môn hội họa của Trường Đại học Mỹ thuật nhiều năm, chắc hẳn ông hiểu rõ các bậc tiền bối như Bùi Xuân Phái vẽ phố cổ, Phạm Lực vẽ khỏa thân.


Ông Lê Quang (hình trên cùng) thường vẽ các tranh hướng tâm linh như: Gia đạo bình an, Cá chép hóa rồng, Quan lớn tuần Tranh, Tài lộc, Bình An, Con cháu sum vầy, mang phong cách riêng, không trộn lẫn phong cách ai. Theo quan niệm dân gian, người vẽ được Thiên Chúa, Đức Mẹ, Phật hay Thánh thường có tư cách tốt, có đạo hạnh, treo tranh của họ như được che chở, vừa chữa lành vừa đem lại bình an.
Về tâm linh, tranh cổ Việt Nam thường được ưa chuộng là tranh dân gian Đông Hồ như: Hứng dừa, Gà, Lợn, Cá chép trông trăng, Hoa sen. Bức tranh có tựa đề Trên Bến dưới Thuyền cũng bán rất chạy, bị sao chép nhiều, và vẫn là tranh trấn phong thủy cầu tài, đặc biệt tại nơi công sở. Tuy nhiên, nhiều lúc, khi nhìn vào những nơi công sở bỏ hoang, chủ bỏ đi, những bức tranh này trở nên vô vị, trống rỗng. Theo tôi, các bức tranh theo ngũ hành tương sinh mà họa sĩ Lê Quang dồn nhiều tâm huyết sáng tạo cũng rất phù hợp với phong thủy kiểu Trung Hoa và Hong Kong để treo trong nhà.
Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân là những tên tuổi lớn của tranh Việt Nam, với màu sắc tươi sáng, đề cao gam nóng, khiến người xem dễ mê mẩn. Các tác phẩm của họ thường được dùng để chữa lành tinh thần.
Ở Anh, họa sĩ Kim Thanh, phóng viên báo Việt News UK, cũng là một họa sĩ tài ba. Tranh của anh theo phong cách tĩnh, thường vẽ tĩnh vật theo bố cục sắp đặt, sống động như ảnh chụp. Tuy nhiên, anh ít khi bán tranh mà thường giữ làm kỷ niệm cá nhân.
Làm phóng viên, tôi có điều kiện xem nhiều triển lãm tranh của các bé gái Việt Nam cũng như châu Âu. Tranh của các bạn tuy còn nhỏ tuổi nhưng rất hồn nhiên, cách pha màu chuyên nghiệp, thể hiện tiềm năng lớn trong tương lai. Đặc biệt, tranh của họa sĩ nhí Bảo Trân mới 9 tuổi, nhưng đã thể hiện kỹ năng pha màu và vẽ cảnh vật, thiên nhiên, động vật rất tinh tế, đầy cảm xúc.

Lịch sử hội họa cho thấy các tác phẩm của nam giới vẫn thường có giá trị sưu tầm cao hơn, điều này phản ánh phần nào sự phân biệt trong thưởng thức và giá trị nghệ thuật. Vì vậy, phụ nữ và nữ quyền, kể cả trong nghệ thuật, vẫn còn nhiều thiệt thòi và ít được đánh giá đúng mức.
Đam mê tranh khiến tôi luôn cố gắng bỏ thời gian đi tham quan các triển lãm tranh ở các bảo tàng trên thế giới. Qua đó, tôi còn hiểu thêm về nghệ thuật Việt Nam qua các bộ sách chứa tranh ảnh quý giá của các thế kỷ trước. Mong ước của tôi là dịch những tác phẩm này và xuất bản ở Việt Nam, giúp độc giả hiểu rõ hơn về hội họa truyền thống và lịch sử nghệ thuật nước nhà cách đây nhiều thế hệ.
Những nơi lưu trữ tranh cổ nhất ngoài các bảo tàng thường là nhà thờ, lâu đài, tu viện. Những bức tranh cổ châu Á được trưng bày ở châu Âu tôi từng thấy thường thuộc dòng tranh thủy mặc, vẽ vàng mực tàu, mô tả chim, cảnh mùa, núi non, cảnh tiên đánh cờ…
Tuy nhiên, các tranh của thế kỷ 19, 20 từ Việt Nam lại đang nằm trong các bộ sưu tập tư nhân ở nước ngoài. Một số nhà sưu tập tranh quen biết thường đi đấu giá ở Paris, New York để mang tranh về Việt Nam. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, họ chưa sẵn sàng mở phòng trưng bày cho công chúng xem, điều này thật đáng tiếc.
Vậy, hội họa di sản nghệ thuật của thế kỷ 19, 20 của ta là gì? Tôi có thể nói rằng, các buổi xem tranh tại các bảo tàng hiện nay còn rất hiếm, mong các nhà sưu tập tư nhân hãy bán lại hoặc mở phòng tranh công khai, như bác Tô Ninh đã mở phòng tranh ở Hàng Khoai, Hàng Mã vào những năm 80, 90, để cộng đồng có dịp chiêm ngưỡng và cảm nhận giá trị đó.