Viet Rest – món ăn ‘yên tâm đúng vị Việt’ ở London

Viet Rest – món ăn ‘yên tâm đúng vị Việt’ ở London

Chủ quán Long Vĩ Văn và phu nhân trước quán Viet Rest, Deptford

Với các bạn Việt Nam của tôi ở London và vùng phụ cận, nói tới Viet Rest ở Deptford High Street thì ai cũng biết. Từ hơn 10 năm qua, chúng tôi hay tụ tập ở quán 1-2 tháng một lần để ăn uống, trò chuyện.

Chúng tôi thường đặt món gì, uống những chai single malt hay rượu được mang tới loại gì, thì là cả “một trời thương nhớ”, và cần phải kể ra ở một bài riêng. Còn với bạn bè không phải người Việt Nam, đây là quán ăn tôi hay giới thiệu để họ tự tới, hoặc chính mình dẫn các bạn tới. Vì theo tôi, quán lâu nay giữ được đúng vị các món mà tôi thích.

Có anh bạn người Mỹ qua thăm London được tôi rủ đi ăn cơm Việt Nam đã hỏi ngay, với giọng khá nghi ngờ: “Đồ ăn Việt ở nước ngoài ‘lúc được lúc không lắm’ (nguyên văn: hit and miss), anh định cho tôi ăn đồ Tàu giả Việt hay Việt Nam thật?”

Tôi cười bảo: “Tới Viet Rest, rest assured things are authentic and the price is indeed decent”

Tôi chơi chữ một chút, Viet Rest hẳn là viết tắt của ‘Vietnamese restaurant’, còn ‘rest assured là ‘cứ yên tâm đi’. Nói rồi chúng tôi đi Underground tới London Bridge, đổi sang tàu nổi tuyến Greenwich đi đúng một trạm là tới ga Deptford. Đây cũng là một trong ba tuyến tàu về nhà tôi ở vùng North Kent, cách chừng 35 phút. Vị khách là giáo sư đại học, sau khi ăn trọn một bát phở bò và chia nửa suất bánh xèo với tôi đã khoan khoái nhâm nhi cà phê đen Việt Nam (anh này rất ghét trà xanh), và đồng ý với tôi là món bình dân ở Viet Rest không thua gì nhiều hàng ăn ngon ở Hà Nội mà anh đã thưởng thức.

Nhưng thuyết phục được bạn nước ngoài về món ăn Bắc tại London chưa vui bằng để bạn cùng là dân Hà Nội khen quán. Anh Huy Cương, cựu sinh viên Ba Lan cùng tôi, đã tới quán này một lần giữa ngày đông Ăng lê mưa rả rích và khen phở ăn “rất được đấy”. Trời lạnh ở Anh mà làm tô phở thì thật thích, không chỉ thỏa nỗi nhớ Hà Nội mà còn thực sự giúp đôi chân không cóng khi chờ tàu về nhà.

Món bánh xèo của Viet Rest
Vợ con tôi đặc biệt thích gọi bánh cuốn và chả quế khi tới quán
Trời lạnh ở Anh mà làm tô phở thì thật thích

Câu chuyện làm quán và bản sắc Việt Nam

Món ăn hợp khẩu miệng, ổn định chuẩn vị Bắc từ nhiều năm nay có được là nhờ chủ quán, anh Long Vĩ Văn mà bà con thường gọi là anh Mằn, người từ Hà Nội ra đi, mở và giữ quán này từ ngày bắt đầu năm 2007. Sống ở châu Âu ba thập niên, tôi giao du với nhiều người làm nhà hàng và biết rằng việc giữ chân đầu bếp và không thay đổi các món tủ (signature dish) của một cơ sở là không dễ. Vì việc bán quán ở xứ người rất khó nhọc và số phận nhiều nhà hàng lớn nhỏ đã tiêu tùng bất kể đầu tư ban đầu rất lớn vì đầu bếp được đón từ Việt Nam sang đã một ngày đẹp trời chạy đi chỗ khác, hoặc vì quán phải quyết định đổi menu để phục vụ người nước bản xứ hơn là người Việt Nam.

Điều nhiều nhà hàng đau đầu là món Việt và món Vietnamese nấu cho người Anh, người châu Âu nhiều khi khác nhau, nên chọn được 4-5 món chính cho thực đơn vừa miệng cả hai nhóm khách hàng khó tính này là cả một vấn đề. Đôi khi người ta phải nghiêng về “phía bạn”, gia giảm độ ngọt, nước sốt, hoặc cài đặt mâm bát thêm hoa lá, để ra vẻ ‘up-market’ (cao sang) hơn. Có những chỗ  thì nghiêng về ‘phe ta’, âm thầm bán lolotica, các món nhậu từ bình dân vùng miền tới kỳ quái, đôi khi khá sợ nữa.

Riêng Viet Rest nhiều năm nay vẫn tự tin với bộ tứ: Viet Rest Special Phở; Crispy Vietnamese Pancake (bánh xèo); Plain Steam Rolls (bánh cuốn), và Fish Vermicelli Soup (bún cá). Xin nói thêm là bọn trẻ con nhà tôi, sinh ra ở Anh, là khách hàng của Viet Rest từ tấm bé. Vợ tôi cũng hay đưa bạn bè của cô ấy, người Anh, Ấn Độ, Nga, Nam Phi…tới quán này để tự hào khoe với họ các món ngon của quê chồng mà tự nấu ở nhà thì…hơi lách cách.

Nhưng một điều đặc biệt ở Viet Rest là bức tranh tường bao quanh nội thất quán, khiến thực  khách ngỡ như đang ngồi giữa Vịnh Hạ Long. Là người nghiên cứu xã hội học và làm báo ở châu Âu, tôi biết chuyện “bản sắc Việt Nam” không chỉ quan trọng trong giới khoa bảng ở đại học mà còn là vấn đề rất cụ thể của doanh nghiệp, hàng quán Việt. Thiết kế, trưng biển hiệu hay trang trí nội thất kiểu gì đây để khách hàng nhận biết mình là quán, là tiệm người Việt?

Trong nghề hàng ăn, điều này còn quan trọng hơn cửa hàng quần áo, giày dép hay siêu thị đồ châu Á. Tôi nhớ khá nhiều quán Việt ở Đức, Ba Lan và vùng xa ở Anh còn phải ‘giả Trung Hoa’ bằng màu mè đỏ lừ đỏ chót và đôi dòng chữ Hán sai nét để nhắm vào thực khách bản địa có tâm lý sai lệch là cái gì từ châu Á cũng phải là kiểu Hoa. Bởi thế, quyết định của chủ quán Viet Rest mời họa sĩ Vũ Kim Thanh vẽ cho toàn bộ 35 mét tường bằng hình Vịnh Hạ Long là quyết định tưởng là “chơi ngông” mà rất trúng đích về tiếp thị.

Anh Long Vĩ Văn giải thích đơn giản là vì anh nhớ lại cảnh vịnh Hạ Long ở Việt Nam “rất đẹp, độc đáo” và ý tưởng đó gặp được sự tài hoa và kiên trì của anh Vũ Kim Thanh đã giúp Viet Rest có bức bích họa độc nhất vô nhị trong số các quán Việt mà tôi đã qua ở Anh và châu Âu.

Ngồi ăn giữa các bức tranh sơn dầu không phải là truyền thống Việt Nam các bạn nhé mà là phong cách của quý tộc châu Âu. Loại du ngoạn nhiều như tôi đã được ăn và uống giữa các bức tranh cổ kính trong những college của ĐH Oxford, ở cà phê sang tại Vienna, Budapest và ở một số quán tại Pháp. Tôi nhớ có lần đưa trẻ con đi chơi ở vùng Bắc nước Pháp, chúng tôi tới ăn trong một quán cạnh lâu đài Chateau de Varengeville trên tường treo khá nhiều tranh của một họa sĩ địa phương. Cậu con trai chúng tôi, khi ấy hơn 10 tuổi, ngồi nghịch thế nào mà kéo cả một bức họa từ trên tường xuống, may không rách của họ. Mấy cụ già Pháp từ bàn bên giật mình nhìn sang bọn ‘invader’ từ Angletterre như muốn xử bắn bằng ánh mắt. Thật là hú vía. Bài học rút ra là ăn uống ở nơi văn hóa châu Âu “đặc quánh trong không khí” thì cần trông con cẩn thận, và nhớ nhẹ nhàng rón rén cho ra vẻ. Còn ở Viet Rest thì không, bạn cứ thản nhiên ăn cháo lòng hay mang bia vào mở ra uống.  Ồn ào như các quán đông khách ở vỉa hè Hà Nội.

Ảnh tư liệu: họa sĩ Vũ Kim Thanh đã bỏ ra mấy tháng trời vẽ bức bích họa 35 mét bao quanh bốn bức tường quán Viet Rest
‘Ăn chơi giữa vịnh Hạ Long ở London’
Món nem ăn tại chỗ hoặc mang về đều rất hay

Sau này, anh Vũ Kim Thanh vẽ thêm tường của cầu thang xuống tầng basement của quán, nơi có phòng ăn VIP và phòng karaoke, bằng tranh sơn dầu Hang Sơn Đoòng, một danh lam thắng cảnh của Bắc Trung Bộ. Anh Long Vĩ Văn nói anh chưa tới đó bao giờ nhưng muốn hình ảnh đẹp và lạ của quê hương Việt Nam “có mặt trong quán để mọi người ngắm”.

Tôi không rõ những người Anh tới Viet Rest có biết đó là tranh Sơn Đoòng, được phát hiện bởi người Việt Nam trước nhưng được chính thức ghi vào bản đồ hang động thế giới lần đầu năm 2009 nhờ Hiệp hội Nghiên cứu Hang động Anh (The British Cave Research Association – BCRA) với sự chỉ đạo của Howard Limbert. Sự liên hệ Anh-Việt này khá thú vị và tôi có ý định bảo chủ quán Viet Rest gắn một tấm plague giới thiệu câu chuyện này cho thực khách Anh.

Bài này không phải là ‘food review’ mà chỉ là câu chuyện của chính tôi với quán Viet Rest thân thuộc ở giữa một khu phố chợ đa sắc tộc nằm về phía Nam thành phố London. Nhưng viết về quán mà không kết thúc bằng món ăn thì chưa đủ.

Vẫn về đồ ăn Việt Nam ở Anh nói chung đã có khá nhiều bài giới thiệu trên các chuyên trang ẩm thực. Đa phần nói rằng từ 5-7 năm trở lại đây, Vietnamese food thu hút thêm thực khách ở London và các đô thị trên đảo Anh nhờ sự phong phú của mùi vị, độ tươi (freshness) của rau, các món rán, món cuốn. Với các bà các cô ngày càng mặn nồng với Keto thì món Việt Nam được recommend là ‘light but still full of flavours’, tạm dịch là ‘nhẹ, ít calori mà vẫn nhiều hương vị’.

Riêng với tôi thì trải nghiệm ở Viet Rest gồm phần quan trọng nhất là các món ăn có tính tương phản mạnh của các vị cay chua mặn ngọt được gói lại nhẹ nhàng trong cái mềm của bún, màu xanh của rau, trộn với cái nóng rực hồ hởi của phở bò, của chả nem…Sự tương phản đáng yêu đó càng rõ nét khi ta ngồi trong không gian rất Việt Nam, như trên con thuyền Hạ Long đu đưa mà nhìn qua cửa kính ra con phố chợ đủ màu sắc và âm thanh, đủ sắc tộc người Âu, Á, Phi đang ồn ã đi lại, mua bán. Ồ, hóa ra đi ăn phở ở đây đã từ khi nào thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống ở Anh của tôi.

Tác giả Nguyễn Giang là cư dân xứ Kent, Anh quốc từ năm 2001.

Xem bài video

editors

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *