Visa và di trú: Chính phủ cương quyết cắt giảm số người nhập cư vào Anh

Visa và di trú: Chính phủ cương quyết cắt giảm số người nhập cư vào Anh

Sáng ngày 12/05/2025, Thủ tướng Keir Starmer mở cuộc họp báo ở số 10 Downing Street, London công bố các biện pháp mạnh nhằm “giảm số người di cư tới Anh”.

Ông Starmer, một cựu luật sư nhân quyền, nói ông “hoan nghênh, ca ngợi sự đa dạng của Anh” (về di cư) nhưng hệ thống xử lý nhập cư cho tới nay “đã thất bại” và cần được làm lại, ‘công bằng hơn”.

Nhưng ông nói rằng “di cư chỉ công bằng khi đóng góp cho nước Anh”, và quyền đến Anh phải là “một đặc quyền” (privilege) và người tới Anh phải học tiếng, phải hội nhập vào xã hội.

Thủ tướng Anh nhấn mạnh đảng Lao động cương quyết “giành lại quyền kiểm soát biên giới” (take back control).

Ông nói ông cam kết “cắt giảm số ròng người vào Anh cho đến cuối nhiệm kỳ Quốc hội này”.

Trả lời truyền hình BBC ở Anh ngày 11/05, Bộ trưởng Nội vụ Yvette Cooper cam kết giảm đi 50 nghìn visa cho người lao động có tay nghề thuộc nhóm kỹ năng thấp (low-skilled workers) và nói cần làm chặt hơn chế độ 2 năm visa cho sinh viên tốt nghiệp đại học, vì “một số trường rà soát không kỹ” khi tuyển sinh.

Các chi tiết về chính sách đã được Viet News UK đăng tải trong bài hôm 11/05 (https://vietnewsuk.com/boi-noi-vu-anh-sap-ra-quy-dinh-moi-siet-chat-hon-tieu-chuan-nhap-cu/).

Bộ Nội vụ Anh cũng đã giới thiệu những nét chính của ‘cải cách’ trong Sách Trắng được công bố trong  ngày hôm nay 12/05 ở trang này: https://www.gov.uk/government/news/radical-reforms-to-reduce-migration

Di cư, nhập cư và tỵ nạn

Số liệu của ONS cho thấy, trong số 1,2 triệu người đến sinh sống tại Vương quốc Anh trong 12 tháng tính đến hết tháng 6 năm 2024:

  • 5% (58.000 người) là công dân Anh
  • 10% (116.000 người) là công dân EU hoặc từ Na Uy, Iceland, Liechtenstein và Thụy Sĩ (EU+)
  • Khoảng 86% (một triệu người) là công dân không thuộc EU+

Trong số 1 triệu người không thuộc EU+ đến Anh thì số người nộp đơn xin tỵ nạn trong thời gian được ghi nhận theo thống kê này chỉ chiếm 8% trên tổng số các nhóm khác:

  • 82% (845.000 người) đang trong độ tuổi lao động ( từ 16 đến 64 tuổi)
  • 17% (179.000 người) là trẻ em (dưới 16 tuổi)
  • 8% (84.000 người) xin tị nạn, có thể sau khi đến qua các tuyến đường hợp pháp hoặc không hợp pháp, ví dụ như bằng thuyền nhỏ qua eo biển Anh

Trong số những người di cư không thuộc EU+, quốc tịch phổ biến nhất đến Vương quốc Anh để làm việc (116.000 người) và học tập (127.000 người) là người Ấn Độ.

Còn về người tỵ nạn, một thống kê của Bộ Nội vụ Anh công bố hôm 27/02/2025 ghi nhận trong năm 2024, người mang quốc tịch Pakistan (10.542), Afghanistan (8.508) và Iran (8.099) là nhóm phổ biến nhất xin tị nạn, chiếm tổng cộng khoảng 25% số đơn xin tị nạn ở Anh. Ngoài ra, văn bản này cũng nói, mức tăng lớn nhất trong các đơn xin tị nạn đến từ công dân Pakistan và Việt Nam.

Số người Pakistan xin tị nạn đã tăng 79% trong năm ngoái, lên 10.542 người, còn số người Việt xin tị nạn đã hơn gấp đôi (+113%) với 5.259 người, tính đến hết tháng 12/2024 (nguồn: https://www.gov.uk/government/statistics/immigration-system-statistics-year-ending-december-2024/how-many-people-claim-asylum-in-the-uk).

 

editors

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *