Ý kiến: Các kịch bản cuộc chiến thuế quan nhìn từ EU và đánh giá lựa chọn của VN

Ý kiến: Các kịch bản cuộc chiến thuế quan nhìn từ EU và đánh giá lựa chọn của VN

Nguyễn Đức Đại Hữu gửi bài từ Paris tới Viet News UK:

Sau tuyên bố các mức thuế quan ‘Ngày Giải phóng’ 02/04 của TT Donald Trump, nhiều quốc gia và khối quốc gia đã chọn cách đáp trả khác nhau. Xin điểm qua một số ví dụ trước khi đi đến tình hình của Việt Nam.

CANADA LẶNG LẼ

Canada đã lặng lẽ và nhanh chóng thực hiện một loạt các biện pháp mạnh mẽ nhằm đáp trả Mỹ mà không cần tuyên bố ồn ào. Những biện pháp này bao gồm thuế quan, kinh tế, tài chính, mua sắm vũ khí và thiết bị chiến tranh, cũng như các lĩnh vực khác. Cụ thể:

    • Loại Tesla ra khỏi tất cả chương trình hỗ trợ xe điện do Canada thực hiện cam kết giảm khí thải CO2;
    • Đóng băng 43 triệu USD của công ty này. Những hành động này không chỉ làm rung chuyển Tesla mà còn ảnh hưởng đến cả cấu trúc chính trị của Mỹ, nhất là khi người dân Tây Âu và Bắc Âu đang đồng loạt tẩy chay hãng xe này.

EU XÂY DỰNG CÁC HỆ THỐNG RIÊNG

Tại EU, ngoài mức thuế quan cao đã được Ủy ban châu Âu (EC) công bố, Chủ tịch EC đã chỉ rõ rằng gói ngân sách đầu tiên trị giá 150 tỷ euro trong tổng số 814 tỷ euro dành cho tái vũ trang EU sẽ chỉ phục vụ cho việc phát triển ngành công nghiệp và dịch vụ quốc phòng của EU. Điều này có nghĩa là các công ty quốc phòng Mỹ như Boeing, Lockheed Martin và Northrop Grumman sẽ gặp khó khăn, trong khi các đối thủ truyền kiếp như Dassault Aviation, Thales Group, Airbus Defense, Naval Group, Safran Group, Ariane Group và Nexter KDSN sẽ hưởng lợi.

Vài hôm sau ngày 02/04, có tin Đức trả tiền cho Pháp để công ty Eutelsat cung cấp internet từ hệ thống vệ tinh tầm thấp của họ cho Ukraine, loại bỏ Starlink của Mỹ (hiện đang do Ba Lan trả tiền để Ukraine sử dụng). Bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu ECB, tuyên bố là EU sẽ thay thế Master Card và Visacard để dùng hệ thống hạ tầng của riêng họ, và EU sắp phạt mạng xã hội X của Elon Musk 1 tỷ USD.

Cuộc chiến Mỹ – EU còn khoảng một tuần nữa thì sẽ nổ ra nếu hai bên vẫn không thể tìm ra giải pháp dung hòa. Và qua việc đã loại Starlink ra khỏi Ukraine, phạt X, cũng như đang tiến đến việc đẩy Master Card và Visa Card ra khỏi thị trường EU … chúng ta thấy rõ là nếu xảy ra cuộc chiến này thì đây sẽ không còn là thuế quan đơn thuần nữa mà hai bên sẽ tung vào nhau hàng loạt đòn tổng hợp như chính trị – kinh tế – tài chính – đầu tư – dịch vụ – công nghệ ….

Thâm hụt về mậu dịch hàng hóa giữa Mỹ và EU vào khoảng 235 tỷ USD, nhưng thâm hụt về dịch vụ giữa EU – US cũng đạt tới 110 tỷ USD. Vì thế nếu trong 1 tuần nữa mà chiến thật thì sức mạnh của Mỹ khi xét về khối lượng tuyệt đối cũng chỉ hơn EU khoảng 125 tỷ USD bởi EU chắc chắn sẽ đẩy cuộc chiến này lan vào lĩnh vực dịch vụ.

PHÁP GIỮ ĐIỂM MẠNH CỦA MÌNH

Ngay hôm 02/04, Pháp cũng đã quyết định tách khỏi Hoa Kỳ một doanh nghiệp nhỏ nhưng sở hữu công nghệ quan trọng trong việc sản xuất nồi, van và ống chịu áp lực cho tàu sân bay nguyên tử và nhà máy điện nguyên tử.

Việc mất Segault sẽ khiến Mỹ gặp khó khăn trong việc đóng mới và bảo trì tàu sân bay và tàu ngầm. Những động thái này sẽ tạo áp lực lớn lên Mỹ, buộc nước này phải tìm kiếm thỏa hiệp.

Đối thủ muốn “tiền” và đang tấn công, từ góc độ lý thuyết tranh hợp, Việt Nam cũng cần phải có chiến lược tấn công tương tự để triệt tiêu những mục tiêu mà đối thủ kỳ vọng đạt được. Khi mục đích của đối thủ bị phá hủy, “đàm phán” sẽ là lựa chọn duy nhất của họ.

Nhưng có sự kết hợp của EU, với sự dẫn dắt của Pháp và Đức, cùng sự tham gia của Canada, đang chọn cách tấn công mạnh mẽ hơn đối thủ. Họ làm như vậy vì đủ khả năng dự đoán phản ứng của Mỹ và biết liệu lợi ích của họ có bị tổn thất lớn hay không.

Tất cả những điều này diễn ra trong bối cảnh quan hệ lịch sử, chính trị, quân sự, công nghệ, kinh tế và thương mại phức tạp giữa họ và Mỹ.

CÂU CHUYỆN CÁC NƯỚC NHỎ

Chỉ khổ cho các nước nhỏ khi ông Trump lùa họ khắp nơi bằng thuế quan, không chừa cho một lối thoát nào, đánh thuế cả những quần đảo có chim cánh cụt hoặc vài nghìn dân sinh sống bằng cách bán thịt chim phơi khô, nhằm bịt tất cả các lỗ hổng về xuất xứ hàng hóa vào Mỹ.

Những nước nhỏ này hầu như không có năng lực đáng kể nào để đáp trả lại văn hóa Cao Bồi một cách ngang bằng nhằm buộc anh ta phải ngừng tấn công, vì thế họ chỉ còn duy nhất một cách là “Xin anh” và sau đó là chờ đợi trong hy vọng.

Nhưng cho dù là có chơi chiến lược là “Xin anh” thì dự báo về phản ứng của tay Cao Bồi sẽ là như sau:

Với mục tiêu là “tiền ngay” và xa hơn là kéo đầu tư quay về Mỹ, vì thế:

1-Các bạn quá hay, các bạn quá tuyệt vời…blah…blah…. nhưng tôi chỉ có thể bỏ (giảm) thuế áp trên khối lượng hàng hóa đúng bằng với khối lượng hàng hóa mà các bạn đang mua của tôi, hoặc cao hơn một chút để ra vẻ nhân ái.

2-Phần thâm thủng còn lại thì tôi vẫn tiếp tục áp thuế (có thể giảm cho chút ít). Hoặc, các bạn phải mua khối lượng hàng hóa của tôi tương ứng với phần còn thiếu này, bất chấp các bạn có chịu nổi giá do tôi bán hay không. Tùy các bạn chọn!

Chiến lược “Em xin anh”, không những là rất khó để mang lại kết quả kỳ vọng cho những nước ứng dụng, mà nó sẽ còn buộc các nước này có thể phải đối mặt với những phức tạp mới không thể lường trước.

Ví dụ, họ sẽ phải liên tục quan sát thái độ của các đối tác thương mại khác bởi lý do đơn giản: “Giảm thuế cho hàng hóa của Cao Bồi thì tại sao lại không giảm thuế cho tôi ? Thâm thủng mậu dịch giữa tôi và ông cũng lớn lắm kia mà”. Tức nếu không khéo léo thì lại có vấn đề mới ập đến.

Tuy nhiên, phải công bằng mà nói thì đối với các nước nhỏ khi đã bị rơi vào tình huống này thì hầu như cũng không còn lựa chọn nào khác tốt hơn nữa cho họ. Sức mạnh đáng kể nhất của các nước nhỏ đang đứng cuối chuỗi cung ứng thực phẩm đến từ việc phải đoàn kết.

Nếu các nước này có thể liên kết được với nhau thì chiến lược chơi tấn công lại Mỹ để đạt lợi ích tối ưu là hoàn toàn có thể. Một ví dụ vui nhưng lại sát thực tế nhất: Giải sử Việt Nam, Bangladesh…và thêm vài nước nữa đang xuất khẩu quần áo lót vào thị trường Hoa Kỳ đồng lòng không bán trong 6 tháng thì dân Mỹ chỉ có đầu hàng mà thôi. Nếu không đầu hàng thì họ phải thay quần áo lót định kỳ là 1 lần/tháng.

Nhưng tiếc rằng sự đoàn kết giữa các nước nhỏ chỉ là ước mơ xa vời, và Mỹ hiểu rất rõ điều đó nên mới dám ra tay đồng loạt cùng lúc với họ như vậy

HƯỚNG GIẢI QUYẾT CỦA VIỆT NAM

Việt Nam, ở vị trí nhỏ và yếu về công nghệ, không thể tấn công đáp trả Hoa Kỳ trực tiếp như vậy, vì lợi ích tối ưu trong tình hình này là gần như không thể. Chúng ta chỉ còn một số hướng giải quyết:

  • Nếu có vấn đề thuế quan mà Mỹ đang không hài lòng, cần bàn bạc để đạt được sự đồng thuận.
  • Tận dụng cơ hội này để công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam, từ đó mở ra các ưu đãi thương mại và đầu tư bền vững.
  • Phân tích khối lượng thâm hụt thương mại để xác định rõ phần nào là liên quan trực tiếp đến Mỹ và phần nào quay lại từ quốc gia thứ ba, nhằm tối ưu hóa lợi ích.
  • Thuyết phục Mỹ rằng Việt Nam không chỉ kiếm tiền từ thương mại mà còn sử dụng một phần để phát triển các dự án mang lại lợi ích cho cả hai bên, như dự án FDI của Việt Nam vào Mỹ.
  • Tăng cường mua các sản phẩm từ Mỹ mà Việt Nam cần.
  • Áp dụng các biện pháp khác một cách nhẹ nhàng để xem xét thái độ của đối thủ.

KẾT LUẬN

Về cơ bản, Việt Nam phải từ bỏ cách chơi tấn công với cường độ tương tự như đối thủ của mình. Lý do là chúng ta chưa đủ năng lực để thực hiện chiến lược này, điều này sẽ tạo ra nỗi buồn cho đất nước. Trong những tình huống như vậy, không chỉ Việt Nam mà mọi quốc gia đều sẽ phải đối mặt với thực tế về khả năng thực sự của mình. Chúng ta có thể tự an ủi bằng câu ngạn ngữ: “Một điều nhịn, chín điều lành.”

Đây vẫn chỉ là dự đoán chủ quan của người viết, và hy vọng rằng Việt Nam sẽ tìm ra các giải pháp hiệu quả hơn trong tương lai. Còn với Hoa Kỳ, khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” đang được hiểu một cách hẹp hòi, chỉ đơn giản là tìm kiếm “nhiều tiền hơn, nhiều FDI hơn, nhiều việc làm hơn, nhiều thặng dư mậu dịch hơn.” Nước Mỹ chỉ thực sự vĩ đại khi góp phần làm cho phần còn lại của thế giới cũng trở nên vĩ đại, đặc biệt là hỗ trợ các quốc gia đang phát triển, bao gồm Việt Nam. Chính điều này sẽ tạo nên sức mạnh và sự thịnh vượng của nước Mỹ trong bối cảnh toàn cầu hiện nay.

Tóm lại, Việt Nam cần tiếp cận tình hình hiện tại với sự khôn ngoan và chiến lược linh hoạt, luôn sẵn sàng điều chỉnh theo diễn biến đường đi của trận chiến thương mại giữa các cường quốc lớn.

Bằng cách tìm kiếm các cơ hội hợp tác và khai thác tối đa lợi ích từ mối quan hệ đa phương, kinh tế Việt Nam mới có thể tồn tại và phát triển trong một thế giới ngày càng cạnh tranh và phức tạp.

editors

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *